• Nếu bằng hữu muốn bàn thảo chung vui với các cao thủ trong Cốc th́ bằng hữu cần đăng kư danh tánh (bấm vào ḍng "đăng kư danh tánh" để bắt đầu ghi tên gia nhập.

Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hạng 4 - ĐẠI VIỆT ANH HÙNG TRUYỆN --- các bài b́nh

Collapse
X
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Hạng 4 - ĐẠI VIỆT ANH HÙNG TRUYỆN --- các bài b́nh

    Bài bình của Hắc Ưng Bang: ĐẠI VIỆT ANH HÙNG TRUYỆN
    Người bình: hntrung


    Hôm nay mới đọc xong truyện:

    - Đây là một truyện khá dài trên 300 trang và có hơn 20 hồi, chứng tỏ tác giả đã bỏ rất nhiều công sức và thời gian để viết truyện. Điểm tốt

    - Truyện viết về Nguyễn Anh Vũ con trai của Nguyễn Trãi (nhân vật lịch sử có thật). Viết truyện dựa theo lịch sử Việt Nam là một lợi thế là ít có người viết nhưng cũng có vấn đề là phải các nhân vật trong Việt sử thường được nhắc tới qua loa, không rõ ràng (Các sử gia cãi nhau liên tục) nên nhân vật thường không được khắc hoạ chi tiết, tính cách không nổi bật.

    - Bỏ qua các những sạn nhỏ (như sai chính tả, tên đọc cộc lốc, vv) thì thấy rằng bố cục truyện nói chung là tốt, truyện cũng kéo dài được vài năm, khá nhiều sự kiện nhưng các tình tiết chưa được đầu tư kỹ càng. Khi đọc thường cảm thấy hai điều: Một là biết ngay là tiếp sau thế nào, hai là thấy vô lý.

    - Tác giả đã bám khá sát với lịch sử, nhưng nó lại trở thành vật cản trong tác phẩm. Vì phải tạo các tình tiết giống với lịch nên dễ bị phô, gượng gạo. Tác giả cố gắng cho các nhân vật đấu trí với nhau, nhưng do truyện quá nhiều tình huống như vậy nên người đọc dễ nhàm chán.

    -Các nhân vật chính thì có tính cách giống mấy nhân vật trong phim Hàn Quốc: Uỷ mị, hơi khùng khùng, quá khích.

    Chê nhiều rồi chuyển sang phần khen:

    - Tác giả đã dũng cảm lấy bối cảnh lịch sử của Việt Nam để viết. Giúp những người như tại hạ biết rõ hơn về một giai đoạn lịch sử của dân tộc.

    - Đầu tư nhiều thời gian để viết truyện, các tình huống diễn ra liên tục làm người đọc không thể không đọc kỹ.

    - Bố cục truyện chặt chẽ, các tình huống đều được giải thích một cách logic.

    Tổng kết: Điểm 75/100.
    Đối với bồ phải tuyệt đối trung thành
    Đối với vợ phải cương quyết khôn khéo


    Danh sách cao thủ Phe Mơ Tuya - Loạn Cúc Trướng

    Thông tin cá cược Euro 2008

  • #2
    Bài bình của Thiên Thủ Giáo: ĐẠI VIỆT ANH HÙNG TRUYỆN
    Người bình: kevothi


    Tại hạ thay mặt Thiên Thủ Giáo viết bài bình truyện Đại Việt Anh Hùng Truyện nhưng vì tại hạ chỉ quen định tính, không giỏi về định lượng nên xin chỉ bình thôi mà không cho điểm.

    Về nội dung :
    Truyện Đại Việt Anh Hùng Truyện là cuộc trả thù của Nguyễn Anh Vũ, con trai của Nguyễn Trãi đối với hoàng thất nhà Lê, lồng trong bối cảnh là cuộc tranh đoạt vương vị của các hoàng tử Nghi Dân, Bang Cơ, Tư Thành.
    Xét về ưu điểm, truyện Đại Việt Anh Hùng Truyện có những ưu điểm sau :
    + Chọn bối cảnh và nhân vật Việt Nam thể hiện lòng tự hào dân tộc của tác giả, hơn nữa đây là một tiểu thuyết dựa trên bối cảnh lịch sử có thực, viết truyện trong bối cảnh này sẽ có những bó buộc nhất định về tình tiết, số phận các nhân vật nhưng trong truyện này tác giả đã xử lý tốt điểm này.
    + Trong truyện thể hiện khá sát thực tế cuộc đấu trí và các thủ đoạn để chiếm ngai vàng của các hoàng tử. Các âm mưu liên tục được thực hiện khiến cho cảm xúc của người đọc liên tục được ‘làm mới’, xét trên quan điểm cá nhân tôi thích cái khung các âm mưu trong truyện này hơn so với một truyện khác cũng dự thi lần này và cũng có tình tiết tranh đấu quyền lực trong cung đình là Đinh Hương – Bích Lạc – Hồng Trần.
    + Tác giả cũng khá công phu trong việc thiết kế bố cục của truyện, thắt nút, mở nút các tình tiết (VD : tình tiết tên cướp Trần Văn Trí hoàn lương ở đầu truyện khiến cho kiếm của y không còn hung tính tạo ra sơ hở trên vũ khí Vạn Tà Chiến Y của Lê Nghi Dân ở những chương sau).
    + Tác giả cũng rất chăm chút các chi tiết, các tình tiết trong truyện khớp nối các tình tiết đó với thực tế lịch sử (tuy vậy, vẫn còn 1 vài sai sót )
    + Tôi rất thích những đạo lý mà tác giả gửi gắm trong truyện, đó là đạo lý nhân quả (VD : nếu Nguyễn Anh Vũ không tha cho tên cướp tvt thì hắn đã không thoát chết dưới Vạn Tà Chiến Y, hay Quỷ Tiên Sinh – Mộc Thạch dùng Nguyễn Anh Vũ như công cụ làm điều ác rồi chết dưới tay chính Nguyễn Anh Vũ,…), đạo lý về lòng yêu nước (VD : Nguyễn Anh Vũ đặt trách nhiệm với đất nước lên trên thù nhà), ....
    Tuy vậy, truyện này cũng có những nhược điểm như sau :
    + Các âm mưu tranh quyền nhiều nhưng vì quá chăm chút đến số lượng âm mưu, cố gắng làm cho tình huống trở nên phức tạp và tác giả xử lý các tình tiết trong các âm mưu này không tinh khiến cho người đọc cảm thấy nhàm chán và dễ đoán trước. Đến đây, so lại với truyện Đinh Hương – Bích Lạc – Hồng Trần thì trong truyện này các âm mưu ít nhưng tình tiết được xử lý tinh hơn so với Đại Việt Anh Hùng Ký, khiến cho người đọc bị thu hút hơn.
    + Tác giả xứ lý tình cảm của các nhân vật trong truyện không hấp dẫn và hơi khiên cưỡng (tình cảm của công chúa Lê Luyến Ngân với Nguyễn Anh Vũ khá thô và không thuyết phục). Tác giả cũng không chăm chút lắm về mặt này trong truyện của mình nếu như tác giả có thể tạo một đối trọng về mặt tình cảm giữa Lê Luyến Ngân và Nguyễn Anh Vũ thì có lẽ truyện sẽ hấp dẫn hơn. Tình mẫu tử trong truyện này cũng không được khắc họa tốt, với bối cảnh của 2 mẹ con Nguyễn Anh Vũ, mẹ góa – con côi trên đất khách thì lẽ ra hai mẹ con càng phải thương yêu nhau chứ không phải lạnh nhạt, xa cách như trong truyện, thậm chí có đoạn mẹ Nguyễn Anh Vũ chửi mắng con, bằng mọi cách ép hắn phải đi vào tuyệt cảnh, vào nguy hiểm thì thực khó chấp nhận. Theo ý kiến cá nhân của tôi, tác giả có thể xử lý tình huống một cách tự nhiên hơn như để Nguyễn Anh Vũ sống cuộc sống bình thường, không có thù hận rồi để hắn tình cờ khám phá ra nguồn gốc, quay trở về, rơi vào tay Quỷ Tiên Sinh, rồi tiếp nhịp truyện thì có lẽ truyện sẽ nhẹ nhàng hơn.
    + Mục đích tác giả sắp đặt nhiều âm mưu chính trị là để khắc họa tính cánh của các nhân vật, tôn nhân vật Lê Nghi Dân lên nhưng thực ra là để ca ngợi âm mưu thủ đoạn của Lê Tư Thành. Tuy nhiên, tác giả lại phạm phải những sai lầm trong các tiểu tiết xung quanh những âm mưu này. Với một con người có âm mưu thủ đoạn như Lê Nghi Dân mà tác giả đã xây dựng thì không thể không giám sát chặt chẽ Lê Tư Thành, thậm chí là thủ tiêu luôn, chứ không để Lê Tư Thành ‘tung tăng’ đi sang tận Trung Quốc gặp vua Minh như trong truyện được.
    + Chi tiết, Lê Tư Thành đi sang Trung Quốc gặp vua Minh cũng là một thất bại của tác giả khi muốn đề cao tình thần tự hào dân tộc một cách quá đáng. Theo thời điểm truyện diễn ra Minh đế mà tác giả nhắc đến là Anh Tông Chu Kỳ Trấn, mà theo lịch sử thì : “Anh Tông Chu Kỳ Trấn, do sự chi phối của thái giám Vương Chấn, đã đích thân chỉ huy một chiến dịch tấn công người Oirat vào năm Chính Thống thứ 14 (1449), nhưng chiến dịch này lại trở thành một thảm họa cho Trung Quốc khi quân đội của họ bị tiêu diệt còn nhà vua bị bắt sống. Sau này ở thời Gia Tĩnh, đến lượt thủ đô của đế chế rơi vào tay người Mông Cổ. Cùng lúc ấy, những tên cướp biển Nhật Bản tiến hành những cuộc cướp bóc dọc bờ biển - những vùng bờ biển này rộng lớn tới mức nó hầu như không thể được bảo vệ bởi quân đội triều đình. Sau đó, người Nhật dưới sự lãnh đạo của Hideyoshi bắt đầu lập kế hoạch chinh phục Triều Tiên và Trung Quốc. Tuy đánh bại được quân Nhật nhưng nhà Minh phải chịu những tổn thất lớn về tài chính.”. Như vậy, rõ ràng lúc này nhà Minh không có đủ thực lực để đánh Đại Việt như Lê Tư Thành lo ngại , đến mức chỉ giết một tên gián điệp cũng phải sang Trung Quốc xin phép . Ngoài ra cách nói chuyện của Minh đế trong truyện này không giống với cách nói của một ông vua thất trận từng bị bắt sống.
    + Yên Tử và Trúc Lâm mà tác giả có nhắc đến trong truyện thực chất là Thiền Phái được lập nên thời nhà Trần, được xem là dạng Phật giáo chính thức của Đại Việt thời đó nên có liên quan mật thiết đến triều đại nhà Trần, phải chịu một hoàn cảnh mai một sau khi triều đại này suy tàn. Các thành viên trong thiền phái này được xưng là Thiền Sư chứ không phải tăng như Yên Tử Cửu Tăng. Hơn nữa, thiền phái này nổi tiếng về thơ Thiền chứ không phải về võ công như trong truyện.
    + Một chi tiết bất hợp lý nữa là Quỷ Tiên Sinh có Nhiếp Thần Đại Pháp khống chế được cả vua và hoàng hậu của nhà Lê (Hồi 21 trang 309) mà chỉ làm được mỗi việc giết Nguyễn Trãi khi đó đã thoái ẩn, trong khi đó hắn thừa sức gây ra những chuyện thiệt hại cho Đại Việt hơn như thế nhiều. Ngoài ra, tác giả nói là Quỷ Tiên Sinh bị Lê Thận đâm cho một đao, trọng thương phải chờ hết 15 năm không biết Lê Thận đâm cách nào mà giỏi thế trong khi Quỷ Tiên Sinh sau này tung hoành gần như vô địch, bao nhiêu người, bao nhiêu lần vây đánh mới giết được hắn? Chưa kể Quỷ Tiên Sinh tại sao lại bỏ đi khỏi vị trí thái giám giả hiệu của mình để đi ‘chăm sóc’ cho Nguyễn Anh Vũ trong khi với võ công và thuật nhiếp tâm của hắn tiếp tục ở bên trong cung thì thiếu gì cơ hội để làm rối loạn Đại Việt? Hơn nữa khi hắn bắt được Nguyễn Phi Hùng thì đã có đủ điều kiện để giả mạo 1 Nguyễn Anh Vũ phục tùng hắn rồi không cần phải tốn nhiều thời gian và công sức chờ người thật trở về? Quỷ Tiên Sinh có thời gian ở Đại Việt rất lâu, thời gian ở trong cung cũng không ít vậy mà hắn không nhận ra được Lê Tư Thành là người tài giỏi khôn ngoan, có tư cách làm vua nhất để giết đi gây hại cho Đại Việt thì thật là khó hiểu.
    + Một Lê Tư Thành giả bệnh bao nhiêu năm để tránh sự chú ý bỗng dưng đứng ra nhận một trọng trách quá lớn là dẹp loạn, còn nếu nói là hắn không đứng ra nhận thì triều đình hết người hay sao mà lại giao trọng trách cho một người ốm yếu ?
    + Ngoài ra còn một số khuyết điểm khác mà có người đã nói như tình tiết Tháp Rùa chưa xuất hiện ở thời điểm xảy ra truyện .

    Về nhân vật :
    Nguyễn Anh Vũ : một mẫu nhân vật bi kịch điển hình, sống đày đọa từ nhỏ, lớn lên lại liên tục trải qua những thảm cảnh và kết cục là điên loạn. Nhân vật này theo cảm nhận của tôi khi đọc truyện là có tính cách nhu nhược, không quyết đoán. Về Việt Nam để trả thù nhưng Nguyễn Anh Vũ làm việc này chủ yếu vì bị mẹ thúc ép chứ không phải bản thân muốn làm, đến lòng thù hận của hắn thì cũng phải do Quỷ Tiên Sinh an bài cho mới hạ quyết tâm được, trong tình cảm thì hắn còn mờ nhạt hơn nữa, dường như toàn do Lê Luyến Ngân chủ động yêu hắn hơn là hắn yêu cô. Khi Nguyễn Anh Vũ có được cơ sở để chống lại nhà Lê qua cuộc khởi nghĩa thì hắn cũng bỏ đi khi nghe lời thuyết phục của người này, người kia. Thực ra tôi không hiểu hắn làm thế vì mục đích gì, nếu nói là không muốn đất nước chiến tranh hoặc không muốn gây họa người vô tội thì từ đầu đừng đòi đánh đấm mà cứ một mình đi trả thù đi. Đến lúc võ công của hắn đủ cao và có cơ hội để một mình trả thù thì hắn cũng lại mượn chiêu bài yêu nước để không phải trả thù và hối hận phát điên vì quyết định của mình. Cái kết cuối cùng hắn điên loạn càng khẳng định rõ tính cách yếu đuổi là trốn tránh của hắn.
    Quỷ Tiên Sinh : một nhân vật phản diện nhưng được tác giả xây dựng khiến cho người ta thấy hắn giống một người hùng hơn. Hắn rất yêu nước hắn, hy sinh cả đời cho đất nước (tất nhiên là Trung Quốc ). Tài trí, thủ đoạn của hắn thì xuất quỷ nhập thần, với tài trí và khả năng của hắn trên thực tế thì hắn có khả năng làm được nhiều chuyện hơn, gây thiệt hại nhiều hơn cho Đại Việt so với trong truyện. Chỉ tiếc là trong đoạn cuối truyện hắn ‘khâm phục’ hơi bị nhiều người làm mất đi cả bản sắc của mình.
    Lê Tư Thành : tác giả xây dựng đây là một nhân vật tài trí song toàn, có thủ đoạn, có đủ cái ác để làm vua, để đạt mục đích nhưng cảm giác của tôi về nhân vật này là ‘kịch’ quá mức cần thiết. Kịch khi giấu thân phận đến bên Lê Nghi Dân (vậy mà Lê Bang Cơ, Nguyễn Thị Anh hoặc Quỷ Tiên Sinh không nghi ngờ gì thì thật lạ), kịch khi nói chuyện với Minh đế, kịch khi mượn tay Nguyễn Anh Vũ và nhiều người khác để giải quyết các chướng ngại đến ngai vàng, kịch nhất là đoạn hắn cùng Nguyễn Anh Vũ nói chuyện ở cuối truyện. Với con người có tính cách như vậy thì không thể nào để mình phải đối mặt với mối nguy hiểm như khi đối mặt với Nguyễn Anh Vũ mà không hề chuẩn bị hậu chước gì với Nguyễn Anh Vũ hết mà chỉ dựa vào lời nói đầy may rủi để đối phó với đối phương. Hơn nữa, Lê Tư Thành có thể giết em, giết cháu chưa ra đời mà lại không giết Nguyễn Anh Vũ, 1 người có uy hiếp rất lớn đến ngai vàng của mình. Nếu nói là vì không đử sức giết Nguyễn Anh Vũ thì sao lại tìm mọi cách để chọc giận hắn đến giết mình thực là 1 hành động bất trí.
    Nguyễn Trãi : trong truyện này tác giả không để cho nhân vật này thực sự xuất hiện mà chỉ điểm sơ qua những lời kể của các nhân vật khác.Tuy nhiên, ảnh hưởng của Nguyễn Trãi trong truyện này thì rất lớn, không biết bao nhiêu người đều nhận ơn của ông, sẵn sàng hy sinh vì ông và hậu nhân của ông, tức Nguyễn Anh Vũ dù đã mấy chục năm trôi qua. Ảnh hưởng này lớn đến mức dường như còn cao hơn cả vua, ông giống như là một vua đời trước hơn là một bề tôi của Lê Lợi (kiểu như Lý Huệ Tông và nhà Trần vậy), với ảnh hưởng đến mức đó thì có lẽ không cần vụ án Lệ Chi Viên thì bất kỳ một ông vua nào cũng phải giết ông để tránh hậu họa.

    Về cách viết và văn phong
    Cách viết chưa được trôi chảy lắm, có nhiều từ và nhiều chi tiết dùng lặp đi, lặp lại khiến cho người đọc khó chịu (‘có cái gì trong hồ lô’ hay những từ đại loại như vậy). Hình thức dùng chữ in để viết những ý quan trọng như trong truyện tranh Hỏa Phụng Liêu Nguyên gây phản cảm cho người đọc.

    Về võ công
    Kim Dung lão gia viết về võ công thì thường đi vào từng chi tiết tỷ mỷ, Cổ Long lao gia thì thường tả về cái thần của võ công và để cho người đọc tự cảm nhận, tự tưởng tượng. Trong truyện này, tác giả pha trộn cả hai phong cách, có những trận đánh thì tả tỷ mỷ có những trận đánh lại đi vào cái thần điều này giúp cho các trận đấu trong truyện được thể hiện rõ ràng hơn so với rất nhiều truyện khác cùng dự thi. Tuy nhiên, cách miêu tả võ công trong truyện này những chỗ tỷ mỷ thì không nhiều còn những chỗ đi vào cái thần lại chưa sâu, chứa đến mức có thể khiến người đọc cảm nhận được cái thần của các loại võ công trong truyện. Một số ý tưởng về võ công có lẽ tác giả chịu ảnh hưởng của bộ truyện tranh Phong Vân (VD : Vạn Tà Chiến Y) nhưng võ công trong truyện Phong Vân có đặc điểm này là các binh khí thường có linh khí (gần với thể loại huyền hiệp hơn) nó dường như khác biệt với thể loại kiếm hiệp mà tác giả viết và võ công dựa vào con người mà tác giả cho các nhân vật trong truyện của mình (trừ Lê Nghi Dân) sử dụng. Điều này khiến cho quan niệm về võ công trong truyện không thống nhất, không thuyết phục vì không có tính tương xứng giữa các võ công và nhân vật (nói khó nghe một chút là hơi tạp nham ) cũng làm cho truyện giảm đi sức hấp dẫn Một điểm khá lạ là tác giả dùng những câu thơ của Nguyễn Trãi làm tên chiêu thức.

    Hoàn thành nghĩa vụ rồi (Tại hạ còn 2 bài bình nữa về truyện Kiếm Chi Vương và Lạc Điểu Thần Vũ đang chờ đấu giá đêeeeeeeee.....).
    Biện thuỷ lưu,
    Tứ thuỷ lưu,
    Lưu đáo Qua châu cổ độ đầu.
    Ngô sơn điểm điểm sầu.

    Tứ du du,
    Hận du du,
    Hận đáo quy thời phương thuỷ hưu.
    Nguyệt minh nhân ỷ lâu.

    (Trường Tương Tư)

    Comment


    • #3
      B́nh truyện dự thi Tàng Kinh Kiếm Phổ III: Đại Việt anh hùng truyên.

      Bài bình của Đông Ly Các: ĐẠI VIỆT ANH HÙNG TRUYỆN
      Người bình: ThuyThuy


      1) Cách hành văn

      Cảm nhận đầu tiên là văn phong viết lưu loát, từ ngữ thoát ý.

      Chủ đề của truyện là một giai đoạn lịch sử Việt Nam, nếu muốn cảm thấy gần gũi và mang hơi hướng của lịch sử và con người Việt Nam hơn thì nên bớt dùng các đoạn thành ngữ đậm chất Hán Việt như:

      Ta biết các ngươi thân bất do kỷ, chỉ trách ông trời đối với Nguyễn gia chúng ta quá bạc, ta hận, ta hận tất cả, hận tam tẩu hồ đồ trúng gian kế, hận lão gia ngay thẳng không biết lấy lòng, hận triều đình không phân biệt đen trắng, hận ông trời dồn người ta vào tử lộ
      Các câu trên nên có dấu chấm, dấu phẩy chính xác hơn. Ví như câu trên.

      Nhìn huynh giống như học trò ăn vụng trong lớp bị lão sư bắt gặp hơn là một đại anh hùng vừa khống chế được Trần Văn Trí và dẹp được loạn đảng núi Phong
      Cách gọi tên và xưng hô khập khễnh, đọc nghe ra rất không phù hợp:

      Từ từ để ta đọc cho, à há, cụ Lý mời dân làng hai ngày sau tới dự hôn lễ của cô Linh với Toàn ca.
      Ngoài ra, có một số lỗi chính tả như từ chỉ tiếng kêu (Ví dụ như: hự) trong câu văn lại viết hoa…

      Song các lỗi trên là những lỗi nhỏ trong toàn truyện. Tác giả viết truyện chắc chắn là một độc giả hâm mộ Cổ Long, vì thế, theo cảm nhận Thúy Thúy, phong cách viết mang hơi hướng của tác gia Cổ Long. Nếu đây là dụng ý của tác giả, thì xin chúc mừng tác giả.

      Trong những hồi truyện, tác giả cũng đã lồng những ý vị của cuộc sống, những suy tưởng, những câu hỏi lớn của cuộc sống, những day dứt không chỉ của nhân vật mà của cả người đọc. Tuy nhiên, không nhất thiết phải viết hoa toàn bộ, trông như vậy không được hợp mắt, có khi tạo ra sự phản cảm từ những đúc kết muốn nhấn mạnh đó.

      Tác giả dường như muốn người đọc cảm nhận được những nhân vật chính phải có những khác biệt, đột phá ghê gớm, là những thần thánh, mới có thể khiến đất lệch trời nghiêng. Ví như khi miêu tả một ánh mắt, khí thế của Anh Vũ khi đối diện chỉ với một người con gái mới gặp có ý thử công phu của anh ta ra sao:

      Trước mặt nàng chỉ có một mình Anh Vũ đôi mắt sáng rực tinh quang nhìn mình nhưng không hiểu sao nàng chợt cảm thấy lúc đang đứng giữa hàng trăm ngàn con thú đang nhe vuốt giơ nanh gầm gừ, lúc lại như bị hàng trăm vạn đao kiếm sáng loáng đến kinh người đang áp sát khắp mọi ví trí trên cơ thể.
      Thật sự là rùng rợn, nàng ta ngã xuống đất đánh phịch một cái cũng là phải!

      Tựu chung, câu văn miêu tả về cảm xúc của nhân vật khá thú vị, gây được ấn tượng và tạo cảm giác mãnh liệt cho người đọc.

      2) Ý tưởng - Tình tiết
      2.1 Ý tưởng

      Chắc chắn khi đọc truyện này, ai cũng đồng ý rằng: Ý tưởng của truyện cực mới lạ nhưng lại gần gũi với người Việt. Đó là dựa vào lịch sử Việt Nam, vào thời Hậu Lê, một giai thoại mang nhiều bi kịch, cái chết của vị vua trẻ Lê Thái Tông dẫn đến đại bi kịch của gia đình của người anh hùng dân tộc - Nguyễn Trãi. Đây là điểm nổi bật nhất của tác phẩm này. Tác giả đã bỏ ra nhiều tâm huyết để nghiên cứu lịch sử giai đoạn này, rồi từ đó tạo nên một cốt truyện với hành trình đi trả thù, tìm lại sự trong sạch cho gia phụ của nhân vật Nguyễn Anh Vũ - con trai của Nguyễn Trãi, người con còn sống duy nhất sau vụ thảm án Lệ Chi Viên. Nếu chấm riêng điểm ý tưởng, tác giả đáng nhận được điểm tối đa.

      Tác giả đã rất cố gắng để tạo ra được những đoạn kịch tính, những âm mưu đối âm mưu, âm mưu trong âm mưu, sự đấu trí đến nghẹt thở giữa các nhân vật chủ chốt. Từ âm mưu thâm độc được nung nấu và tiến hành trong 16 năm trời của một kẻ tưởng chừng như đã chết trong trận chiến Ải Chi Lăng - Mộc Thạnh. Kẻ này không muốn chấp nhận ván cờ an bài mà phần thua là triều đình nhà Minh bấy giờ, vẫn nhăm nhe muốn biến Đại Việt thành một mảnh đất thuộc sở hữu của người phương Bắc, đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn cộng với những võ công tà đạo luyện đến mức tuyệt đỉnh, để thực hiện được ý định gây ra sự bất hòa từ chính trong triều đình đang ngự trị Đại Việt, từ đó dễ dàng chiếm được mảnh đất giàu đẹp này. Nhưng đó lại là phần cuối cùng mà ta chỉ có thể biết được khi đọc đến những hồi cuối của câu chuyện. Đây là một nút thắt từ đầu truyện mà đến cuối truyện mới được tháo gỡ, cũng là điểm đáng khen của tác phẩm, để giữ được sức hút độc giả đến phút cuối của câu chuyện. Đến những âm mưu trong âm mưu, âm mưu đối âm mưu, âm mưu nối tiếp âm mưu, âm mưu chất chồng lên nhau, như là âm mưu của Nguyễn Anh Vũ người thanh niên trẻ tuổi tài cao, mang một mối thù của cả một dòng mà chính bản thân không định hình rõ được lòng căm thù của mình. Anh Vũ mang trọng trách, hủy Lê triều, lập lên triều đại mới dưới sự trị vì của họ Nguyễn, bắt đầu từ những âm mưu xâm nhập vào triều đình, đến những trận chiến lật đổ vị vua đương nhiệm Lê Nhân Tông; hay đó là âm mưu của Lê Nghi Dân muốn lật em là Vua Lê Nhân Tông… Còn có sự đấu trí căng thẳng cực độ giữa Anh Vũ và Lê Tư Thành – Bình Nguyên Vương hay vua Lê Thánh Tông sau này, giữa Anh Vũ với Lạng Sơn Vương - Lê Nghi Dân…

      Nhưng mọi sự thật kiên cưỡng và cứ luôn đoán biết được sau đấy sẽ xảy ra như thế nào… bởi vì muốn tôn trọng lịch sử, đi theo trình tự của lịch sử. Rốt cuộc, một nhân vật tài giỏi, thông minh là vậy cuối cùng cũng chỉ trở thành một người điên.

      Ngoài ra, còn có một chi tiết nữa đó là biến cây kiếm Thuận Thiên Kiếm trở thành một báu vật mang bí ẩn của một kho báu trị quốc an dân cũng là một ý tưởng thú vị. Sự chế tạo kiếm tách bạch với kho báu mà kiếm mang, vì thế mặc dù người có kiếm cũng chưa chắc lấy được kho báu… Đây cũng là một ý tưởng đáng giá của tác giả.

      2.2 Tình tiết


      Truyện bao gồm nhiều tình tiết vui mừng, buồn thảm, gay cấn, thảm cảnh chém giết đan xen… Tuy nhiên, tình tiết của truyện không có được sự đặc biệt và hùng tráng như tựa đề của truyện. Rất tiếc là không hề có một đoạn nào miêu tả chi tiết trận đấu lớn giữa quân của Anh Vũ và quân Triều đình.

      Cậu chuyện tình cảm giữa Anh Vũ và công chúa Lê Luyến Ngân, theo Thúy Thúy, là một điểm chìm xuống của truyện. Giữa họ tại sao lại có một tình yêu sâu đắm và đau khổ dường thế? Ngòi bút của tác giả chưa thực sự mạnh ở đây. Có thể cho rằng Lê Luyến Ngân rất thích Anh Vũ vì dáng vẻ anh tuấn bất phàm, vì võ công cực giỏi hay vì sự tin người rất chi kỳ quặc của anh ta. Hay cũng như định nghĩa muôn đời của tình yêu là không hiểu vì sao yêu, hai người như được định trước là yêu nhau vậy? Nhưng chưa có một chi tiết cụ thể nào làm hai người thực sự gắn bó với nhau để đến mức là Lê Luyến Ngân một mực đi theo Anh Vũ khi Anh Vũ rời khỏi nhà của Lê Tư Thành, để mà Anh Vũ yêu nàng ta đến nỗi mà tự đâm vào mình… Điều này quả thực làm cho tình cảm của đôi này trở nên đồ hồ với cảm nhận của người đọc.

      Phải nói rằng, mọi tình tiết câu chuyện diễn ra hết sức lô gic, các tình tiết đưa ra đều để giải quyết một câu hỏi của truyện. Không có tình tiết thừa. Các vấn đề đưa ra đều được giải quyết ở một tiểu đoạn nào đó của câu chuyện. Đặc biệt là việc chia chương hồi của tác giả cũng rất ăn khớp, mỗi hồi (hay mỗi phần) để giải quyết một khúc mắc, một vấn đề, và mở ra vấn đề mới, hồi sau nối tiếp hồi trước rất hoành chỉnh.

      Song,vẫn thấy một số điều vô lý. Thứ nhất như câu chuyện tình giữa Lê Luyến Ngân và Anh Vũ. Ngoài ra, còn có điểm như:

      - Quỷ tiên sinh có thể dùng chiêu Nhiếp hồn đại pháp đối với một danh tướng Nguyễn Phi Hùng và có tác dụng lớn vậy, hơn nữa cũng từng dùng với Nguyễn Anh Vũ. Vậy tại sao Quỷ tiên sinh không dùng tiếp với Nguyễn Anh Vũ để hoàn thành gian kế mà lại thả Anh Vũ ra và gieo vào đầu Mầm Cuồng? Cũng câu hỏi đó đối với những nhân vật lớn khác?

      3) Võ công - Nhân vật
      3.1 Võ công

      Điểm đáng chú ý là tên của các thế võ đều rất “Việt” hay ít nhất dính dáng đến Việt như: Xẻ Trời Rạch Đất, Khinh phí ngâm phàm quá Bạch Đằng

      Các thế võ trong câu chuyện có đôi chút mơ hồ về chiêu thức, chỉ cảm thấy nội lực cực mạnh, tác giả chưa thể miêu tả chi tiết các thế võ sử ra sao, cái tốt là cứ để độc giả tự tưởng tượng ra cho phong phú, nhưng đã vô tình làm lộ ra những mặt yếu của tác giả.

      Giữa các nhân vật có võ công thượng thừa nhưng vẫn không cảm nhận được đặc trưng riêng của từng nhân vật khi xuất chiêu, nếu không nói tên chiêu thức.

      Do không hề có ấn tượng về những chiêu thức trong truyện nên không thể bàn nhiều về võ công.

      3.2 Nhân vật

      Truyện có một số lượng nhân vật không phải là ít. Có những nhân vật sau là nổi bật nhất:
      - Thứ nhất chính là nhân vật cốt lõi của truyện: Nguyễn Anh Vũ. Đây là hình tượng người anh hùng văn võ song toàn. Công phu thuộc loại thường thừa, mà đấu trí cũng rất đa mưu, nhiều kế, thông minh, có thể đoán trước được âm mưu, suy nghĩ của địch nhân. Tướng mạo thì phi phàm. Tuy nhiên, có lẽ đây là một người anh hùng quá trẻ tuổi nên cũng có những lối suy nghĩ rất là… non nớt và kỳ lạ, khi đối diện với một cô nương tự dưng xông vào, ra tay hiểm độc, mà sau đó, lại dễ dàng thốt một câu: “Ta tin cô!”. Trong con người này có quá nhiều mâu thuẫn, không thể tự giải thoát cho chính bản thân và cuối cùng cũng bị Mầm Cuồng trong não khống chế và bị điên. Nhưng có lẽ, anh ta vẫn là người may mắn và hạnh phúc vì trong lúc điên khùng đã có người thương chăm sóc, nâng niu. Có lẽ đây là một trong những chi tiết được đánh giá là có hậu của truyện chăng?

      -Thứ hai là nhân vật: Quỷ tiên sinh: Đơn độc, thâm hiểm, công phu tuyệt đỉnh. Là nhân vật đã điều khiển hay có dính dáng đến những pha đẫm máu nhất, thâm mưu sâu độc nhất. Và rút cuộc, kẻ xấu cũng bị chừng trị sau khi gây ra quá nhiều mối can qua và làm đổ máu quá nhiều. Đây là nhân vật đứng đầu và là nhân vật phản diện rõ nét nhất của tác phẩm, hắn không bị lập lờ giữa hai tuyến nhân vật như một số nhân vật khác của truyện. Và cũng là nhân vật bí ẩn nhất của câu chuyện.

      -Thứ ba là nhân vật Lê Tư Thành hay là vị vua Lê Thánh Tông sau này: Tác giả đã muốn cho vị vua này xuất hiện là thành thiên tài, là cực kỳ sâu sắc và không đoán trước được sự giỏi giang và mưu lược của ngài. Và tất nhiên là ngài đã được an phận đến phần cuối của truyện là làm vua. Nhân vật này không hề gặp một bước trở ngại nào trên con đường dẫn đến chiếc ghế vàng.

      Thật đáng tiếc là trong truyện này không hề có một nữ nhân vật nào nổi bật. Lê Luyến Ngân cũng như những vật thể sáng lên nhờ phản chiếu lại ánh sáng của vật thể phát sáng, chứ không thể phát sáng. Tính cách không nổi bật, sắc đẹp không được miêu tả đến. Nói chung, thật buồn, trong truyện này, rõ ràng là nữ giới không hề có ảnh hưởng gì đến đại cục, không tạo được một điểm nhấn nhỏ bé nào. Nếu có người phản bác lại rằng, người mẹ của Nguyễn Anh Vũ cũng là một nhân vật đặc biệt, trong lòng chỉ có nuôi một lòng thù hận không đội trời chung với dòng họ Lê, nhưng người đàn bà này không thể làm gì ngoài việc gieo lòng thù hận vào cho đứa con trai của mình, không thể san sẻ cho con trai bất cứ một gánh lo nào để có thể trả thù. Và hơn nữa tác giả quá tiết kiệm câu chữ cho người đàn bà này. Suy cho cùng, cũng không thể là một nhân vật điển hình, ảnh hưởng đến đại cục.

      4) Cảm nhận chủ quan

      Truyện Đại Việt anh hùng truyện là một tác phẩm khác lạ so với các tác phẩm còn lại về mặt ý tưởng. Nhưng vẫn không hiểu vì sao mà tác phẩm không thể lưu giữ lâu trong tâm trí người đọc, có lẽ do quá khiên cưỡng đi theo lịch sử và tư vị tình cảm ở đây rất mơ hồ, tuy được nhấn mạnh vào trong câu chữ đúc kết, nhưng đã không đem lại hiểu quả như tác giả mong muốn.

      Dẫu đời bể dâu, ta nguyện cḥng chành!
      Dẫu hoàng hôn tắt nắng, ta đợi b́nh minh lên!
      Dẫu thân ta bèo bọt kiếp hồng trần,
      Gian truân lắm song sánh cùng gió trăng!


      -----------
      Tiếp tân Đông Ly Các

      Comment


      • #4
        Kiếm phổ 01 - ĐẠI VIỆT ANH HÙNG TRUYỆN ...

        Bài bình của Ma Giáo: ĐẠI VIỆT ANH HÙNG TRUYỆN
        Người bình: Ông Kẹ


        Mục tiêu khai diễn các cuộc thi Tàng Kinh Kiếm Phổ không ngoài cổ vũ các tác giả người Việt nảy hứng rèn luyện tay nghề viết truyện kiếm hiệp --- nhất là truyện kiếm hiệp dính tới đất nước Việt Nam - con người Việt Nam --- cho dù biết đường hướng này còn lắm gian truân vì không có quá khứ lịch sử lâu đời.

        Ở các cuộc thi I và II, đã có các truyện như Khoái Hoạt Lâm - Quái Long Đầm - Giỡn Mặt Thanh Triều, mà Khoái Hoạt Lâm đã được hạng 4 TKKP lần II.

        Lần này ĐẠI VIỆT ANH HÙNG TRUYỆN cũng nối gót tiền nhân , mang không khí dã sử triều đình nhà Lê hòa lẫn và một truyền kỳ hiệp nghĩa. Lời nhắn nhủ của tác giả ràng ràng qua hai số phận của Nguyễn Anh Vũ cùng Nguyễn thị Anh: con người nuôi hận thù - sống với hận thù chỉ dẫn đến một tương lai u tối không có lối thoát. Truyện có ý nghĩa đáng quý, nhưng chi tiết dẫn dắt miêu thuật lại quá ơ hờ - tâm lý nhân vật quá lạt lẻo, cuối cùng dẫn tới những sai lạc trầm trọng phá hỏng sức theo dõi chú ý của người đọc.



        Cho dù đã nhiều lần khuyên nhủ nên chờ đến gần sát hạn cuối để có đủ thời gian chỉnh sửa, nhưng ĐẠI VIỆT ANH HÙNG TRUYỆN mới tháng 8 năm ngoái đã chui vào email của Kiếm Phổ, vì vậy cũng trở thành mục tiêu bị ghìm dữ nhất.



        Cho dù không chấm điểm chính tả, nhưng đây là một truyện gặp rất nhiều lỗi chính tả. Sự thiếu kiên nhẫn chăm chút cho đứa con tinh thần của tác giả thật đáng trách.



        Về ngữ pháp, thường xuyên gặp câu dài dòng không chịu ngắt đoạn đúng chỗ (ví dụ: "Tai của Anh Vũ vốn rất thính hơn nữa tiếng thét này vang lên giữa đồng không mông quạnh tựa hồ tiếng sấm giữa trưa hè," --- hồi 1). Câu văn lắm lúc thiếu sự trau chuốt:
        Anh Vũ chỉ tay vào mặt y nói
        Nếu dùng tay chỉ thì ngắn gọn hai tiếng "chỉ mặt" cho rồi.
        Lúc đó, Anh Vũ chỉ là đứa thiếu niên chín tuổi
        Ai lại nói "đứa thiếu niên" bao giờ?

        Chẳng những vậy, lời văn cũng lắm nơi trúc trắc tối nghĩa (Từng cơn gió thoang thoảng như muốn xua đi cái nóng bức buổi trưa hè kéo theo tiếng xạc xào của bờ tre trải dài trên con đường làng nóng bỏng như muốn xua đi sự buốt rát của những bàn chân trần đang tíu tít kéo nhau ra đình xem thông báo --- hồi 1).

        Võ quan Lê Đắc Ninh lộ vẻ thô lỗ căng thẳng trong khi Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân râu để ba chòm oai nghiêm đôi mắt tinh anh thần thái oai phong khó tả nhưng đáng ngạc nhiên nhất chính là văn nhân bên cạnh ngài, xem ra y chỉ lớn hơn Anh Vũ hai, ba tuổi, mặt đẹp như ngọc bờ môi luôn mỉm cười nhưng không hiểu sao Anh Vũ vừa nhìn vào y lập tức cảm thấy con người này vừa mềm mỏng vừa cứng rắn không sao lường trước đặc biệt từ người y toát ra một thứ khí thế mạnh mẽ, lấn lướt người khác khiến người ta thậm chí còn chẳng dám ngước cao để nhìn lâu.
        Đây là nhân vật như thế nào?
        Theo nghĩa của đoạn văn thì đáng lẽ phải dùng "Đây là nhân vật nào thế?" chứ sao lại dùng "Đây là nhân vật như thế nào?".
        Vì vậy ngữ pháp không phải là điểm mạnh của tác phẩm này.



        Về nội dung, tác phẩm cũng có rất nhiều mâu thuẫn và sai sót.
        Ở hồi mở đầu, tác giả viết: "Quan Hành Khiển Nguyễn Trãi can tội giết vua, cả tam tộc đều bị tru di, trảm thủ thị chúng giữa chợ". Lúc đó Nguyễn Trãi đã về vườn, sao lại gọi là "quan Hành Khiển" ?
        (Theo sử thì lúc đó Nguyễn Trãi cũng đã 63 tuổi; truyện cho thê thiếp của Nguyễn Trãi mang bụng bầu, quả là một ông già gân ).



        Hồi 1 hiển hiện lối xưng hô hầm bà lằn, lúc thì "Toàn ca", lúc lại "anh Toàn", rồi thành "huynh", thành "gã", thành "y", thành "hắn"... xoay như chong chóng.

        Nhân vật chính đi bắt cướp, gọi cướp là "huynh", rồi lại là "ngươi" một cách tùy tiện.
        Ví dụ:
        Năm xưa khi còn là Trần Văn Trí y nổi danh quyền kiếm song tuyệt nhưng vừa rồi bạo quyền của gã đến vạt áo của Anh Vũ cũng chẳng chạm nổi trong khi gã vẫn ung dung né tránh chưa hề hoàn thủ lấy một lần, tuy nói trong ba năm vừa qua quyền pháp không thường xuyên luyện tập và vận dụng độ tinh tế có phần giảm sút nhưng khí lực lại tăng lên gấp mấy lần, những chiêu vừa rồi so với lúc trước chỉ hơn chứ không kém như vậy đủ biết bản lĩnh của gã thanh niên trước mặt mình quả thực thâm sâu khó dò Toàn vốn chẳng nghĩ sẽ dễ dàng đánh bại được gã.
        Tác giả thỉnh thoảng lại tung ra triết lý mờ mịt mà không có bằng chứng:
        LỐI SỐNG CỦA MỘT NGƯỜI CÓ THỂ LÀ GIẢ NHƯNG TÌNH CẢM MỌI NGƯỜI DÀNH CHO Y NHẤT ĐỊNH PHẢI LÀ THẬT.
        Tại sao tình cảm mọi người dành cho y phải là thật?

        Độc giả cũng phải ráng bỏ qua những chi tiết kỳ quặc:
        Toàn điếng người khi thấy lưỡi đao gẫy của Nguyễn Văn Hung đang kề lên cổ những tráng đinh bị trúng thuốc mê nằm la liệt dưới đất.
        Một lưỡi đao làm sao kề cổ một đám tráng đinh nằm la liệt ?



        Hồi 2 không thoát khỏi mâu thuẫn:
        Mối thù này không thể không báo nhưng để đường đường chính chính báo thù tất phải tìm được ẩn tình này để giải oan cho Nguyễn Trãi.
        ...
        Ân oán nhất định phải làm sáng tỏ nhưng thù có nhất thiết phải báo không?
        Mới đó nói thù không thể không báo, vài dòng sau lại lâm ly bi đát hỏi có cần phải báo thù không . Dứt khoát một chút đi chứ!

        Vả lại tác giả cũng nên nghiên cứu kỹ trước khi dùng từ:
        ta không muốn người dân Đại Việt vừa sống cảnh tự do được mấy chục năm lại một lần nữa sống trong cảnh vong quốc thôi.
        Năm 1427 dẹp sạch quân Minh - vua Lê lên ngôi. Đến năm 1442 xảy ra vụ án Lệ Chi Viên => mới 15 năm tự do thôi, làm gì đã "mấy chục năm"? .

        Hơn nữa:
        Thời quá khứ...
        Bảy năm về trước.
        Lúc đó, Anh Vũ chỉ là đứa thiếu niên chín tuổi
        Có nghĩa là Anh Vũ hiện đã 16 tuổi.
        Năm 1453 Lê Nhân Tông nắm quyền trở lại khi mới 12 tuổi ==> 11 năm sau vụ Lệ Chi Viên ...
        Lá thư viết từ sáu năm trước, căn dặn rõ ràng nếu ông một đi không trở lại, Phạm thị phải đợi lúc Anh Vũ tròn mười sáu tuổi, thành thục Nguyễn Gia Kiếm mới đưa cho gã xem.
        - Lẽ ra ta không định đưa cho ngươi lá thư này sớm nhưng gần đây ta nhận được tin bên Đại Việt, Nguyễn Thị Anh đã trao trả thực quyền cho Lê Băng Cơ, hai mẹ con chúng ra sức lấy lòng người dân, nếu để giang sơn của chúng được củng cố e rằng muốn trả thù là chuyện không thể.
        => trao thư vào năm Anh Vũ mới 11 tuổi
        => Anh Vũ 11 tuổi đã quay về Đại Việt???
        Vậy thì sao tác giả lại cho Anh Vũ lúc đó đã 16 qua cái câu:
        Không thân, không thích, không quen biết một ai, chỉ dựa vào một bộ Nguyễn Gia Kiếm và một 'bí mật về kho tàng' hư hư thực thực để bắt một thiếu niên mười sáu tuổi đầu trả thù cả triều đình vậy có phải quá sức không?
        Lúc đó mới 11 tuổi chứ 16 tuổi gì?
        Vậy 5 năm vừa qua Anh Vũ đã làm gì?



        Hồi 3 có một đoạn triết lý về Kiếm đạo, mờ mịt đến mức ngay cả tác giả cũng viết sai :
        Người luyện kiếm thường trải qua bốn giai đoạn giai đoạn đầu tiên là Kiếm Dụng tức là người học kiếm nhưng bị kiếm khống chế bản thân xuất chiêu nhất nhất theo kiếm, giai đoạn thứ nhì gọi là Dụng Kiếm tức là đã có thể khống chế làm chủ kiếm tâm phát chiêu tùy theo ý muốn, cao hơn một bậc là Tâm Kiếm tức là tay không có kiếm nhưng tâm không có kiếm lúc ấy có thể dùng kiếm khí trong vòng trăm trượng lấy đầu người trong vòng mười trượng dễ như trở bàn tay nhưng cao siêu nhất chính là cảnh giới Vô Kiếm sư phụ tôi chỉ biết đến lúc ấy, tay không có kiếm, tâm cũng không có kiếm nhưng cảnh giới này cao siêu đến mức nào thì dường như chưa ai lĩnh ngộ.
        Chẳng những tác giả sai lệch về Tâm Kiếm, sang đến Vô Kiếm thì độc giả cũng đi đời luôn . Học kiếm pháp mà từ tay không có kiếm cho đến tâm cũng không có kiếm thì sao còn gọi là "kiếm pháp"? Quả là không thể lĩnh ngộ .

        Hết vụ kiếm pháp lại tới tả cảnh tả tình:
        Trời đổ mưa nhè nhẹ trên mặt hồ, cơn gió thổi qua cuốn theo mấy gợn sóng lăn tăn, lúc ấy trời bắt đầu về chiều nắng lấp lánh rọi trên mặt hồ, vài ba cánh chim đơn lẻ dáo dác bay vụt lên cao.
        Đột nhiên trong lòng Anh Vũ nảy sinh một cảm giác dễ chịu, gã nhắm mắt thả mình nằm dài trên cỏ nhìn thiếu nữ áo vàng bước từng bước xuống hồ.
        Nàng tung tăng đùa nghịch trên mặt nước, vẩy lên người gã rồi bị mấy chú cá phía dưới rỉa vào chân đến giật mình cười khúc khích, Anh Vũ cơ hồ đã ngất ngây trước người, trước cảnh vật, đẹp đến sững sờ.
        Trời mưa buổi chiều mà còn nắng lấp lánh đã khó thấy, chim bay giữa màn mưa vốn khó tìm, cá tạt và bờ cạn đang mưa chứ không trốn tránh lại càng khó hiểu, nhưng khó chấp nhận nhất có lẽ là tìm một quận chúa quyền quý mới gặp một thanh niên lạ mặt lần đầu mà đã rủ ra hồ hứng mưa tắm nắng nghịch nước buông lời lả lơi.

        Lối dựng xây đặc điểm cá tính nhân vật cũng còn quá sơ suất:
        Trong năm chiếc ghế, hiện tại chỉ có ba người theo như danh sách thì người ngồi mé trái mắt sáng môi mỏng, dung mạo tuấn tú thần thái không giấu vẻ anh dũng họ Lê tên Niệm cháu nội của danh kiệt Lê Lai ...
        Lạng Sơn Vương ho mấy tiếng rồi nói:
        - Hiền đệ nói phải lắm, Đắc Ninh, có lẽ huynh đã quá nghiêm khắc rồi, Phạm Anh Vũ và...
        ...
        Lạng Sơn Vương đằng hắng mấy tiếng rồi nói:
        - Đắc Ninh, huynh tuyên bố nguyên tắc của vòng trong Chiêu Hiền Hội đi.
        Lê Đắc Ninh dạ một tiếng rồi bước ra phía trước:
        Mới đoạn trước cho thấy Lạng Sơn Vương gọi Lê Đắc Ninh là huynh - gọi văn nhân là hiền đệ.
        Lạng Sơn Vương cười:
        - Lê huynh có cao kiến gì?
        Lúc Lê Lai vì nước hy sinh, Thái Tổ đã thề coi con cháu của ông như con ruột của mình, vì vậy có thể coi như Lê Niệm và Lạng Sơn Vương có quan hệ huynh đệ họ hàng nên ngài mới thản nhiên xưng huynh gọi đệ với y.
        ...
        Anh Vũ và Phạm Đồn quỳ xuống đồng thanh:
        - Khấu kiến vương gia.
        Lạng Sơn Vương đỡ cả hai dậy nói:
        - Kìa hai vị, nếu các vị đã là gia khách của bổn vương thì không nên quá câu nệ tiểu tiết, nếu đã coi Nghi Dân như chỗ thân tình thì chỉ cần gọi ta hai tiếng Dân huynh là được.

        Phạm Đồn:
        - Như vậy sao được?
        Lạng Sơn Vương cười:
        - Những gia khách ở đây từ trên xuống dưới đều xưng hô với ta như vậy, Đồn huynh đệ, có phải huynh đệ không muốn cùng chia phú quý sẻ hoạn nạn với ta hay không?
        Nói Lạng Sơn Vương "thản nhiên" xưng huynh gọi đệ với con cháu Lê Lai, rồi liền lòi ra chịu "thản nhiên" huynh huynh đệ đệ với Anh Vũ và Phạm Đồn, còn khoe gia khách nào cũng xưng hô như vậy?

        Liềm của Phạm Ban từ trên xuống, liềm của Phạm Đồn từ dưới lên, đao của Lê Niệm đâm thẳng tới, một lượt có trước có sau Anh Vũ phải cùng lúc đối phó với ba đại cao thủ, đừng nói Lê Luyến Ngân đang bịt miệng kêu lên một tiếng, ngay cả Lạng Sơn Vương, Lê Đắc Ninh và chàng văn nhân ngồi trên đài cao cũng phải giật mình la hoảng.
        ...
        Lúc ấy rất nhiều người chỉ kịp kêu lên một tiếng kinh hoàng, cả Lê Luyến Ngân và cả Lạng Sơn Vương, Lê Đắc Ninh cũng nghĩ rằng lưỡi liềm của Phạm Ban sẽ xả đôi người Anh Vũ ra thì chàng thư sinh chỉ cười tủm tỉm ngồi yên tại chỗ chẳng lộ vẻ gì kích động.
        Mới tả văn nhân la hoảng giật mình, sau đó lại nói y chẳng lộ vẻ gì kích động!!! Sao mâu thuẫn quá vậy???

        Các thiếu sót về ý từ không lẽ không thể tránh thoát?:
        Thế liềm của Phạm Ban từ trên xuống, Phạm Đồn từ dưới chém lên ghép lại thành một chữ Vạn
        Nhìn mấy chữ "Vạn" vốn có: 万 --- 卍 ---卐 --- 萬, không thể nào hình dung nổi hai đao chém lên và chém xuống làm sao ghép được thành chữ "Vạn"?

        Lê Đắc Ninh dạ một tiếng rồi bước ra phía trước:
        - Chiêu hiền hội lần này chỉ chọn võ không chọn văn, các vị lọt được vào đây đều phải trải qua khảo nghiệm đích thực chính là các anh tài hào kiệt của đất nước. Ta chẳng phải là người biết ăn nói nên không muốn nói vòng vo, hiện tại có một nhiệm vụ quan trọng nhưng Lạng Sơn Vương chỉ có thể giao cho một người đảm nhận, như vậy kẻ nào có thể áp chế quần hùng trong đêm nay sẽ được người đích thân giao thi hành nhiệm vụ, đến lúc ấy đường công danh trước mắt có thể nói là nhất bộ đăng thiên.
        ...
        - Khải bẩm vương gia, chúng tôi chỉ còn bốn người nếu bắt thăm phải gặp đối thủ mình không mong muốn như vậy thực sự không thoải mái chút nào, đến lúc ấy tất có kẻ thua mà không tâm phục khẩu phục.
        Tự nhiên Lê Niệm lại đứng lên nói đừng bắt thăm, trong khi Lê Đắc Ninh có nói gì đến bắt thăm đâu?


        Sang hồi 4 vẫn không kém chướng ngại:
        Lạng Sơn Vương vỗ đầu cười:
        - Chà, ta thật đãng trí, nhiệm vụ lần này không khó, chỉ là quan địa phương bẩm báo tại Chí Linh xuất hiện của Nguyễn Trãi nên phiền hiền đệ đi một chuyến về Côn Sơn xác nhận tình hình nếu đúng như vậy thì bắt chúng về giao cho Anh thái hậu lập công.
        - Về Côn Sơn tầm nã dư đảng của Nguyễn Trãi?
        ==> xuất hiện cái gì của Nguyễn Trãi ? Dư đảng? Tác giả không đọc lại kỹ càng gì hết.

        KẺ BÁ CHỦ THÍCH DƯỠNG HỔ DI HỌA.
        KẺ BỀ TÔI LÀM BẠN VỚI VUA NHƯ LÀM BẠN VỚI HỔ.
        ==> Triết lý này quả là khó hiểu!!! Bá chủ nào thích "dưỡng hổ di họa"???

        Thiên phong xuy khỉ lãng hoa phun
        Phải là "xuy khởi" chứ làm gì có "xuy khỉ" .



        Hồi 5:
        - Hiện tại Nguyễn, Đinh nhị vị tướng quân đều cầm quân đánh giặc ở xa không lý do nào lại xuất hiện ở Đông Kinh, còn Nguyễn Phi Hùng từ sau khi Nguyễn Ức Trai tiên sinh gặp thảm nạn dã bặt vô âm tín, chỉ có điều nếu ông ta trở về lấy tên Quỷ Tiên Sinh thì không khi nào lại đưa người nhà họ Nguyễn vào chỗ chết.
        ==> đã cho Nguyễn, Đinh nhị tướng là huynh đệ của Nguyễn Trãi thì triều đình nào dám giao cho cai quản trọng binh.



        Hồi 7:
        Nhưng kỳ lạ, trong lòng Anh Vũ nảy lên một cảm xúc rất đặc biệt đến độ gã không kìm được cảm giác này, tự nhiên bước mấy bước về phía lều trúc.
        Rèm mở ra, dây đàn trong tay Lê Hạo đột nhiên đứt làm đôi.
        Lê Hạo ngạc nhiên nhìn nàng rồi nhặt sáo cười:
        - Vậy khúc nhạc này dở dang rồi.
        Tác giả quá ẩu, không chịu rà soát truyện trước khi nộp: sao lại gọi Anh Vũ là "nàng"?



        Hồi 10:
        Lê Nghi Dân nói:
        - Sau khi sự thành, ta hứa sẽ hạ chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi đồng thời luận công ban thưởng cho tất cả mọi người. Nếu không muốn quan tước, vàng bạc trong quốc khố, đất phong trong thiên hạ tùy mọi người xử lý.
        Lê Đạt toan lên tiếng chợt thấy Anh Vũ ngăn lại:
        - Được, hợp tác, lợi dụng nhau vui vẻ.
        Muốn đưa người ta lên làm vua mà nói "lợi dụng" một cách ngon lành? Nhân vật ấu trĩ đến mức này làm sao làm được chuyện lớn? Câu nói chẳng khác gì các bé ba xạo với nhau trên YIM chứ đâu phải tiếng lời của các bậc vương tướng thâm mưu viễn lự .



        Hồi 11:
        - Tứ đệ suy đoán nếu quân phiến loạn đã bị đánh tan, cơ sở của hoàng huynh để làm cho thiên hạ đại loạn đã mất, huynh nhất định không còn cách nào khác ngoài việc làm liều thích khách hoàng đệ.
        Dùng "thích sát" mới đúng. "Thích khách" là danh từ, không thể dùng làm "động từ". Ẩu!!!



        Hồi 13:
        Lê Nghi Dân cũng bứt một cọng rơm:
        - Nhắc đệ một điều: DƯỠNG HỔ DI HỌA LÀ SỞ THÍCH CỦA TA.
        Một lần nữa cho thấy sự quái gở không hiểu nổi.

        - Cho dù Lê Nghi Dân là Đường Thái Tông thì Bình Nguyên Vương ngài cũng đâu phải là Cầu Nhiêm Khách?
        Sao lại có thể dùng chi tiết này một cách cẩu thả vậy? Cầu Nhiêm Khách Trương Tam Lang Trương Liệt vốn là một nhân vật trong kịch trường và truyền thuyết chứ không xuất hiện trong sử sách. Đa số tài liệu trên mạng đều công nhận Phong Trần Tam Hiệp trong truyền thuyết chỉ có hai người có thật là Lý Tịnh và Hồng Phất Nữ. Có sách còn nói Cầu Nhiêm Khách là thủ lãnh Thác Bạt tộc , lại có sách nói y là đạo sĩ lang thang , cũng có sách nói kiếm pháp ở Phù Tang bắt nguồn từ y . Mấy nhân vật trong ĐẠI VIỆT ANH HÙNG TRUYỆN xem ra lại rành rọt về Cầu Nhiêm Khách theo ý phim Hoàng Hà Đại Phong Vân (Đại Vận Hà) ra đời năm 1987 .



        Hồi 21:
        Lê Tư Thành cười lạnh:
        - Không phải bệ hạ rất mong Đại Việt xảy ra chiến loạn, đến lúc đó Đại Minh sẽ nhân cái cớ đem binh sang chi viện Thiên Hưng rồi nội ứng ngoại hợp nuốt trọn luôn giang sơn gấm vóc của chúng tôi hay sao?
        Minh đế trợn tròn mắt nhìn Lê Tư Thành rồi nói:
        - Bình Nguyên vương nói vậy không sợ ta sẽ lấy đầu ngươi vì tội hỗn xược hay sao?
        Lê Tư Thành chỉ tủm tỉm cười:
        - Muốn người ta không biết thì tốt nhất đừng nên làm, bệ hạ là bậc cửu ngũ chí tôn, một lời đáng giá ngàn vàng, chẳng lẽ bệ hạ muốn đứng trước triều đình thừa nhận mình không hề có dã tâm xâm chiếm Đại việt? Nếu như vậy e rằng công lao của Mộc Thạch bỏ ra bên Đại Việt đã trở thành nước trôi sông rồi.
        Một sứ giả nước nhỏ mà dám phạm thượng xỉa xói vua Tàu giữa cung đình nhà Minh - nơi mà Hoàng đế coi mình là con trời và chính quyền của mình là thiên triều? Còn dám dùng tiền đòi đầu Mộc Thạch?



        Vì những lỗi lầm dàn trải khắp mọi nơi, đây quả là một truyện không thể xếp hạng cao dù khung truyện có rất nhiều triển vọng để phát triển. Xem ra nó chỉ hạp nhãn với độc giả đầu thế kỷ XX chứ không phải là món ăn tinh thần cho những người yêu thích kiếm hiệp đầu thế kỷ XXI đã từng trải Kim Dung - Cổ Long - Huỳnh Dị - Ôn Thụy An - Thương Nguyệt ... Hy vọng tác giả sẽ dành nhiều thời gian cùng tâm lực cho các tác phẩm của mình trong tương lai hơn ...


        Câu văn Ông Kẹ chấm nhất trong truyện:
        Hồi 19:
        Nhái cũng ngưng kêu, vịt cũng ngưng lội. Vạn vật xung quanh dường như đều chú tâm vào trận chiến trước mắt.
        Tiếng thưa như gió thoảng qua ...
        Tiếng mau xầm xập như trời đổ mưa ...

        Comment


        • #5
          B́nh: Đại Việt Anh Hùng Truyện

          Bài bình của Lệ Đông Viện: ĐẠI VIỆT ANH HÙNG TRUYỆN
          Người bình: NgoanDong


          Truyện dựa trên bối cảnh nước Việt thời nhà Lê sau cái chết của Nguyễn Trãi. Người con của ông - Nguyễn Anh Vũ - mang ý chí căm thù trở về lập mưu trả thù triều Lê. Trải qua nhiều vụ minh tranh ám đấu, cuối cùng chàng trai cũng trả được thù và khôi phục danh dự lại cho phụ thân. Nội dung truyện chứa đựng nhiều màn mưu mô tranh đấu trong hoàng tộc nhà Lê cùng với những âm mưu, thủ đoạn của tên bại tướng nhà Ngô. Những tình huống âm mưu đấu đá được lột tả dần dần và được khéo léo kết thúc ở đoạn kết.

          Truyện này dùng giọng văn mạch lạc, có rất nhiều đối thoại nhưng không tạo cảm giác trùng lặp hay nhàm chán. Tâm lý của nhân vật chính được biến đổi lần lần qua những biến cố cho thấy sự trưởng thành của nhân vật. Tác gỉa cũng đã có nghiên cứu về lịch sử Việt để xây dựng nên một bộ khung khá hoàn chỉnh cho bối cảnh và các nhân vật trong truyện. Cảm gíac của lão phu về nội dung và tình tiết của truyện này là "rất khá".

          Hạn chế:
          Tình tiết học vũ công trong Vạn kiếm Tự Sinh của nhân vật chính là một sự gỉa tưởng qúa đáng: 5 tháng không ăn uống, linh khí bao gồm hết các kiếm pháp của thiên hạ (chắc là phải bao gồm kiếm pháp Nhật bản, châu Âu, cổ La mã ...) mà khi thành công thì coi bộ cũng chả phải là vô địch gì.

          Viết hoa vô cớ không cần thiết: thử đọc truyện (dịch) của Cổ Long & Ôn Thụy An, có nhiều chẳng cần phải viết hoa cũng vẫn có thể làm độc gỉa phừng phừng sôi máu hay lạnh buốt sống lưng như thường.

          Ai nui đường, ai crawfish, trên trần ai, ai bít ǵ ai
          Thế cá nướng, thế sushi, phải thời thế, thế thân như thế

          Thớt có thanh tao gùi đỡ đến,
          Gang không mật mă kiến ḅ đi ...

          Xưa nay đều trọng ngừi chân thọt
          Ai nấy nào ưa kẻ mắt đui ...

          Comment


          • #6
            Đại Việt Anh Hùng Truyện

            Bài bình của phái Côn Luân: ĐẠI VIỆT ANH HÙNG TRUYỆN
            Người bình: Docconhan & Am Tham


            Đây là 1 trong số ít những truyện viết về lịch sử Việt Nam trong kho tàng kiếm hiệp của chúng ta. Người Việt hầu như không ai không biết vụ án vườn Lệ Chi, không ai không biết vua Lê Thánh Tôn, nhưng có mấy ai biết rõ những việc xảy ra trong giai đoạn sau khi Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc cho tới khi vua Lê Thánh Tôn lên ngôi. Tác giả đã mở rộng bối cảnh thời gian ấy ra để đem đến cho chúng ta 1 cái nhìn hoàn toàn khác về lịch sử giai đoạn này qua bộ Đại Việt Anh Hùng Truyện.

            Tuy tên truyện là Đại Việt Anh Hùng Truyện, nhưng các nhân vật chính trong truyện lại chẳng có lấy một người xứng với 2 chữ "anh hùng" vốn được tặng cho những người lấy "Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã" làm đầu mà ta thường biết qua các truyện kiếm hiệp. Lê Nghi Dân thì không cần phải bàn, nhưng Lê Tư Thành cũng không phải. Hắn là 1 người thủ đoạn, bất chấp tất cả để đạt mục đích. Hắn sẵn sàng hy sinh lão tướng Phan Văn Viễn mà không nhíu mày; lên ngôi vua rồi thì đuổi tận giết tuyệt những người từng có lúc chống đối mình. Và cả Nguyễn Anh Vũ nhân vật chính, chỉ là một kẻ đáng thương, từ nhỏ đã được hung đúc để trả thù. Trí thông minh thì có, nhưng tính khí bốc đồng nông nổi, mọi hành động đều bị chi phối bởi "thù gia tộc", không phải là kẻ có chủ kiến nên chỉ là trái banh trong cuộc đấu giữa Lê tộc và con cờ vô tri của Quỷ Tiên Sinh. Hắn không hề biết Quỷ Tiên Sinh là ai, không hề đoán biết hay hiểu được những việc Quỷ Tiên Sinh làm, vậy mà lại một mực tin tưởng, không hề nghi kỵ gì hết. Lê Nghi Dân nhờ hắn giữ lại giọt máu của mình, thì hắn không suy nghĩ gì hết, từ chối thẳng thừng. Đến khi Lê Nghi Dân, Lê Khắc Xương chết rồi thì hắn cũng không biết nghĩ đến là Nguyễn gia binh của hắn sẽ bị diệt tiếp theo sao?

            Tại hạ liệt kê ra thế không phải để "bắt bẻ" về tựa đề của truyện, mà chỉ qua đó, muốn nói lên cái nhìn của tác giả về những người "hùng" tham dự vào các cuộc tranh dành ngai vàng, nghiệt ngã thay câu nói "nhất tướng công thành vạn cốt khô"! Có lẽ, tác giả không tin những lễ nghĩa giáo điều trong sách vở, không nghĩ rằng trên thế gian có những nhân vật đại nhân đại nghĩa vì thiên hạ, mà tất cả chỉ vì "mình" mà thôi. Có phải tác giả muốn cảnh báo chúng ta chớ nên quá tôn sùng một nhân vật nào đó chăng? Xa hơn nữa, chúng ta dù ít dù nhiều cũng chấp nhận những lý giải cho các hành động dù tồi tệ đến mấy của các nhân vật lịch sử. Lê Nghi Dân cướp ngôi vua có thể thông cảm, vì hắn vốn là thái tử chỉ vì mẹ lầm lỗi mà bị tước vị. Việc Lê Tư Thành không từ thủ đoạn để củng cố ngai vàng thì cũng là điều hiểu được. Nhân vật chính trong truyện, Anh Vũ, cuối cùng có kết cục như một Mô Dung Phục trong truyện của Kim Dung, nhưng may mắn hơn có được một bóng hồng bên cạnh. Cốt truyện "trần trụi" gần với Cổ Long, xa hẳn "thế giới xanh, hồng" của Kim Dung.

            Phải nói một điều, tác giả có trí tưởng tượng rất tốt. Lấy lịch sử làm nền, tác giả đã phát triển ra các tình tiết rất lý thú để kiến giải đoạn lịch sử nước nhà nhiều biến cố mà lại không phản lịch sử, đây không phải là một điều dễ dàng. Đọc xong truyện, tại hạ rất thích thú với ý tưởng mọi việc "xấu" đều xuất phát từ kẻ thù truyền kiếp của chúng ta. Tuy nhiên, cũng có phần hơi hụt hẫng khi thấy với chỉ 1 viên tướng nhà Minh mà đã có thể gây ra được bao nhiêu chuyện. Ngay cả Nguyễn Phi Hùng, đệ nhất kiếm của nước Việt mà cũng bị Mộc Thạch (không hiểu sao là Mộc Thạch mà không là Mộc Thạnh?) cấm cố như vậy, và không chỉ thế mà toàn bộ các cao thủ nước ta đều chẳng kềm chế nỗi hắn. Trong khi Mộc Thạch cũng không phải là đệ nhất cao thủ gì của Tàu, vậy thì nước Việt ta thiệt là còn thua kém Tàu xa quá.

            Văn phong của truyện chưa được mượt mà uyển chuyển, đôi lúc tác giả viết hoa cả câu hoặc cả đoạn để nhấn mạnh ý của mình, nhưng làm vậy lại có hiệu quả ngược, vì như vậy rất khó đọc, làm cho độc giả (hay ít ra là tại hạ) bỏ luôn không đọc cả đoạn, nói không quá có phần coi nhẹ người đọc. Tác giả lại có những cách dùng từ là lạ như "cô Linh và Toàn ca", hoặc những câu đối thoại kiểu Cổ Long nằm kế bên những câu rặt tiếng địa phương.

            Và các đoạn "chuyển/đệm" từ hiện tại về quá khứ chưa được "chắc tay" như đoạn Nguyễn Anh Vũ nhận thư để lại của Nguyễn Phi Hùng, không hiểu sao nhận thư lại có cả đoạn tả cuộc nói chuyện giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Hùng, hoặc đang chuẩn bị quyết chiến mà Mộc Thạch lại đứng kể oang oang về kế mưu sắp đặt bao năm trời.

            Và còn chuyện này hơi là lạ:

            Vua Lê Thái Tông chết lúc mới 20 tuổi, Lê Bang Cơ lên ngôi lúc chưa tới 2 tuổi, vậy hổng hiểu lúc đó Lê Khắc Xương bao nhiêu tuổi mà tác giả nói
            ... chỉ tiếc từ thuở thiếu niên Lê Khắc Xương đã tỏ rõ nguyện vọng không có ý tranh giành ngôi báu với các huynh đệ của mình, Lê Thái Tông ... thuận theo ý của con trai cho phép chàng tự do chọn lựa con đường của mình ...
            Tác giả dựng lại toàn bộ câu truyện, hình như chỉ có 1 người được ưu ái là Nguyễn Thị Anh, bà trở thành người sẵn sàng hy sinh thân mình cho nước cho dân, chớ không còn là một người đàn bà âm hiểm ích kỷ nữa. Và với chỉ 1 câu
            Nhưng sự thật Lê Tư Thành vì nước vì dân hay vì lo sợ một ngày nào đó Anh Vũ sẽ quay lại lấy mạng mình
            tác giả đã hạ thấp hết giá trị của tất cả những gì vua Lê Thánh Tôn đã làm cho đất nước. Không biết họ Lê có đụng chạm gì với tác giả chăng?

            Nhìn chung đây là một tác phẩm thành công, dù kỹ thuật viết chưa cao, bố cục truyện chưa nhuần nhuyễn làm cho người đọc cảm thấy câu chuyện chưa được tự nhiên (như đoạn cả đám vào hoàng cung hành thích vua mà sự việc cứ xảy ra tuần tự như đã được sắp xếp sẳn trong phim hay một thân Vương xứ ta mà được vua Minh cho diện kiến vv) Nhưng bù lại tình tiết phát triển độc đáo, một kết cuộc thú vị đến ngạc nhiên cho người đọc.

            Điểm son của truyện là nói về lịch sử Việt Nam, giúp cho độc giả hiểu rõ thêm về lịch sử nước nhà. Dĩ nhiên là không phải học sử qua truyện, nhưng tác giả đã viết nên truyện để tạo ra động lực thúc đẩy độc giả đi kiểm chứng chính sử, vậy thì cũng đã là một sự thành công rồi. Mong trong tương lai sẽ đọc thêm nhiều tác phẩm của tác giả này.

            ----------------

            Docconhan và Am Tham hợp bình. Docconhan cho 80 điểm, Am Tham cho 82 điểm.

            Comment


            • #7
              B́nh luận Đại Việt Anh Hùng Truyện - Cùng tú tài

              Bài bình của Thất Giới Minh: ĐẠI VIỆT ANH HÙNG TRUYỆN
              Người bình: Cùng tú tài


              Ưu điểm:
              -Thứ nhất là truyện dựa trên tình tiết, lịch sử, nhân vật Việt Nam, thể hiện niềm tự hào dân tộc, hiện nay quá ít truyện như vậy.
              -Thứ hai là tác giả rất chịu khó viết, phải nói là truyện khá dài, tình tiết được đưa ra liên tục, dồn dập, tình tiết khá nhiều nhưng được xử lí tốt, không dư thừa.
              -Thứ ba là có tính sáng tạo khá cao, từ việc sống sót của Mộc Thạch, đến việc cái chết bí ẩn của Nguyễn Trãi, rồi Vạn Tà Chiến Y, rồi cả Tháp Rùa với võ công trong đó.

              Nhược điểm(thật tiếc là hơi không ít):
              -Về tình tiết, tuy quả thật là dồn dập, liên tục nhưng không sâu sắc lắm, do nhiều tình tiết liên tục quá nên hơi nhàm, theo đệ nghĩ là nên có 1 vài khoảng lặng để người đọc “ngẫm nghĩ” và “nghỉ ngơi”.
              Có một số tình tiết đệ thấy hơi vô lý, Mộc Thạch bị thương 15 năm mới bình phục, vậy mà bình phục xong lại thành đại cao thủ, ít ra cũng phải có điểm giảm phong độ chứ. Còn không cũng phải trải qua một quá trình “dữ dội” nào đó thì mới có võ công như vậy, nhưng chuyện này lại không được nhắc đến.
              Về mẹ của Nguyễn Anh Vũ, lúc đầu nếu nói là vì hận thù chất chứa đã bao nhiêu năm, mong muốn con mình trả thù nên khốc nghiệt với con còn có thể hiểu. Nhưng đến khúc cuối, khi được một người lạ mặt dẫn dụ về nước, không tin con, lại đi tin người lạ, đã không biết chút gì về những việc làm của con, lại sỉ vả, muốn giết con mình như thế thì…(Phụ nữ mà lại thế thì đàn ông chắc còn kinh hơn).
              Còn chuyện tình cảm yêu đương thì hơi nhanh, chuyện giữa Lê Luyến Ngân với Nguyễn Anh Vũ còn nhanh hơn tiếng sét ái tình nữa, chỉ thấy đùng một cái, gặp nhau lần 1, lần 2 là trái tim đã đổ, thời xưa con gái Việt Nam mà đã như thế thì không trách bây giờ được.
              Một chuyện nữa khá không hợp lý là việc Lê Tư Thành đầu nhập vào phe bên Lê Nghi Dân, theo đệ thấy hình như trong truyện không đề cập đến việc Lê Tư Thành có cải trang, vậy mà Lê Nghi Dân không nhận ra thì đúng là mắt mũi kém quá, mà người bên cạnh Lê Nghi Dân cũng toàn dân chột mắt cả, đường đường Lê Tư Thành là một vị hoàng thất, vậy mà không ai biết mặt sao, hay là vì suốt ngày nằm giường bệnh nên cho dù có thấy giống cũng không nghĩ đến chuyện cải trang. Rồi khi Nguyễn Anh Vũ cùng với Lê Nghi Dân cùng đánh vào kinh thành, khi sắp thua đến nơi thì một đạo quân của một vị tướng xuất hiện để cứu giá, một lượng binh lớn như vậy nhập thành mà Lê Tư Thành không biết thì quả là lạ.

              -Về mặt trình bày có thể coi là khá, chỉ vướng ở một chỗ hay in đậm phóng to, đánh nghiêng mấy chỗ cần nhấn mạnh, mà do nhấn mạnh nhiều quá cho nên thành ra hơi khó coi.

              -Về võ công thì khá hay nhờ vào việc đặt tên theo Bình Ngô Đại Cáo, mô tả chiêu thức, đệ thích điều này(cái này hình như là ưu điểm thì đúng hơn).

              Từ các nhận định trên, đệ xin mạn phép định 70/100.
              Đường xa mỏng mộng vô thường
              Trái tim chợt tỉnh tôi nhường nhịn tôi
              --------------------------------------


              Kiếm chỉ tam giới, v́ trời không dung, ta phải nghịch lại trời!
              Đao hỏi lục đạo, kiệu hoa phù phiếm, ai cùng ta tranh phong?
              ------------------

              THẤT GIỚI MINH

              Comment


              • #8
                Bài bình của tiêu Dao Môn: ĐẠI VIỆT ANH HÙNG TRUYỆN
                Người bình: Ngoc Dien Ho


                Đây là truyện đầu tiên được đưa lên trong hơn chục tác phẩm tham gia Tàng Kinh Kiếm Phổ lần này, cũng là truyện tại hạ đọc đầu tiên. Phải nói là, sau khi đọc mấy hồi đầu, tại hạ đã tương đối hi vọng đây sẽ là một tác phẩm hay, nhưng rồi, càng về sau lại tác phẩm càng đuối hơn.

                Tác giả đã xây dựng được một cốt truyện khá mạch lạc, văn phong nhất quán từ đầu tới cuối, tạo được những đoạn ngắt, những khúc trầm tựa như một bản hùng ca bi tráng, nhưng cũng không kém phần diễm lệ, lại được lồng trong lịch sử Việt Nam, mà vẫn không hề gượng ép, điều này tại hạ đánh giá rất cao. Tuy nhiên, với cốt truyện đó, có thể triển khai được thành một bức tranh hoàn hảo hơn nhiều nếu các nhân vật được xây dựng "kiện toàn" hơn, sâu sắc hơn, các tình tiết nhỏ trong truyện cần gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo nên một chuỗi mắt xích liền lạc, đồng thời, quan trọng nhất chính là cần một tư tưởng chủ đạo xuyên xuốt nhất thống toàn bộ tác phẩm, hòng để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Thú thật và cũng thành thật xin lỗi tác giả, truyện này tại hạ đọc xong và hoàn toàn không nhớ gì cả, truyện không hề dở, nhưng cũng không có đột phá, đủ hấp dẫn để người ta đọc hết, nhưng rồi cũng chìm ngấm vào trong vô số những câu chuyện bình bình khác.


                Trên đây là vài lời nhận xét của tại hạ, mong tác giả sẽ có những bước sửa chữa khiến tác phẩm hoàn chỉnh hơn và tiếp tục cố gắng vì nền kiếm hiệp Việt Nam.

                Đa tạ,

                Tiêu Dao môn chủ cẩn keyboard,
                Tiêu Dao Môn


                Do ức đương niên nhất tương phùng
                Vạn thế thử tâm dữ quân đồng
                Tuyết nguyệt hoá tác hồ điệp khứ
                Nhân gian tỷ dực tiếu xuân phong

                Comment


                • #9
                  Bài bình của Tiêu Dao Môn: ĐẠI VIỆT ANH HÙNG TRUYỆN
                  Người bình: Khương Di


                  Cho huynh bổ sung tí nha, sáng giờ không vào mạng được

                  Đại Việt Truyện Hùng là một truyện kiếm hiệp với hướng đi mới theo phong cách Việt Nam. Đây là một thử thách lớn vì nó còn mới mẻ với đọc giả kiếm hiệp, những đại cao thủ đã quá quen thuộc với vô số tác phẩm kiếm hiệp Trung Quốc.

                  Cũng như đa số tác phẩm đã xuất bản nói chung và trong cuộc thi Tàng Kinh Kiếm Phổ nói riêng, nội dung dựa trên lịch sử. Điều này là một điểm tựa chắc, nhưng cũng nằm trong một khuôn khổ ấn định, khả năng phát huy sẽ bị giới hạn nhiều nhất là văn phong, ngoài việc nội dung và kết cấu của câu chuyện.

                  Đại Việt Anh Hùng Truyện dùng lịch sử thời nhà Lê làm mấu chốt để tạo nên một câu chuyện về cuộc đời của Nguyễn Anh Vũ, hậu nhân của Nguyễn Trãi. Xuyên suốt tác phẩm người đọc có thể thấy sự trưởng thành của một thiếu niên vì gánh nặng giải oan trên vai, vì mối thù gia tộc phải trả, hắn không có sự lựa chọn mà phải tiến tới để đạt mục tiêu.

                  Nhìn tổng quát thì cốt truyện không mới vì nó nằm trong khung cảnh lịch sử. Tuy nhiên, câu chuyện hư cấu về quá trình đạt đến mục tiêu của Anh Vũ tạo thu hút. Mạch truyện liên tục với tình tiết dồn dập như từng lớp rào nằm sát bên nhau. Cuộc đấu trí giữa các phe tạo chỗ đứng cho các nhân vật và thêm sắc thái. Kết cục cho Anh Vũ đọc qua nghe tội nghiệp, nhưng nghĩ lại thì hơi kịch tính.

                  Các nhân vật trong tác phẩm không xuất sắc nhưng đáng được khích lệ. Riêng nhân vật Anh Vũ thì tác giả có vẻ cho ôm đồm nhiều quá với lứa tuổi chưa quá hai mươi của hắn. Các màn giao chiến, võ công mang hình thể na ná tiên hiệp, tuy nhiên có tầm cỡ.

                  Thủ pháp của tác giả có khác biệt với đa số tác phẩm dự thi kỳ này, mang phong thái mới và nó cũng tạo ác cảm cho người đọc không ít. Cảm giác rất khó chịu khi những đoạn chữ to đập vào mắt không khác gì hạt sạn.

                  Kết luận thì tác phẩm này tầm mức khá với lối đi mới theo phong cách Việt Nam. Nếu hoàn thiện một số tình tiết phi lý và thủ pháp thì sẽ tạo nhiều cảm tình cho đọc giả.
                  Ta không cần phú quư ,
                  Ta chỉ cần đủ ngân lượng để bảo vệ danh dự và phẩm giá của ta thôi

                  Comment


                  • #10
                    Trên đây là các bài b́nh truyện ĐẠI VIỆT ANH HÙNG TRUYỆN --- truyện đoạt hạng 4 kỳ thi TÀNG KINH KIẾM PHỔ III.

                    Comment


                    • #11
                      Truyện này đọc rất hay quá nhưng có điểm hư cấu là gia tộc của Nguyễn Trăi theo nghiệp văn chứ không theo nghiệp vơ, Nguyển Thị Thanh chết già chứ không bị điện. Có một điểm chính xác đúng như lịch sử là vua Lê Thánh Tông sau khi lên làm vua đă lập tức giải oan cho Nguyễn Trăi.
                      Truyện viết chú trọng mô tả tâm lư nhân vật rất thật, mô tả các chiêu thức vơ công đơn giản, thực tế chứ không như truyện Tàu.
                      Theo tại hạ truyện này xứng đáng giải Quán quân.
                      Ủng hộ tác giả xuất bản thành sách
                      Last edited by Votong; 07-18-2010, 01:55 PM.

                      Comment


                      • #12
                        Công nhận hồi đó b́nh truyện khí thế thật, văn thơ lai láng, ư tưởng dồi dào
                        KÉO QUẦN GIỮ
                        Dù em ca những lời yêu đương, hay chuyện t́nh găy gánh giữa đường....
                        Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt. Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.
                        Một chữ T́nh duy tŕ thế giới, một chữ Tài tô điểm càn khôn.


                        Tiêu Dao Môn

                        ____(\
                        _____\)._
                        __.---'..'.)
                        o(..)..._-\
                        _`"""`...``

                        Comment

                        Working...
                        X