Bài bình của Đông Ly Các: ĐINH HƯƠNG - BÍCH LẠC - HỒNG TRẦN
Người bình: htnhan
Người bình: htnhan
1) Cách hành văn (tối đa: 20 điểm)
- Khi đọc truyện này, Anh Cúc lập tức bị thu hút ngay bởi giọng văn cổ kính, u nhã, tràn đầy phong vị Trung Hoa, chẳng khác gì những truyện kiếm hiệp của các tác giả nổi danh Trung quốc dịch bởi các dịch giả thực thụ. Các đoạn tả tình tả cảnh viết rất điêu luyện và nên thơ :
Bây giờ mặt trời đã ngả về tây, như trái cầu lửa nằm lơ lửng nơi thiên nhai, rải một sắc nắng nhòa nhạt mà thê lương trùm lên vạn vật. Bóng tháp đổ dài trên mặt đất, phảng phất một nỗi buồn cô tịch không nói nổi thành lời
Dân gian truyền tụng rằng Tây hồ có thập đại danh thắng, đứng thứ bảy trong số đó là cảnh mặt trời lặng trên chùa Lôi Phong
Cuối đời Nam Tống, Việt Vương ra lệnh xây tòa Hoàng Phi tháp cao mười ba tầng, trên tường trong lòng tháp khắc kinh Hoa Nghiêm, có tượng mười sáu La Hán bằng đồng, kiến trúc uy nghi mà hùng vĩ.
Về phương diện hành văn, dù có cố gắng « tìm mẩu xương trong quả trứng gà », Anh Cúc cũng không thấy có điểm hạn chế đáng kể nào. Tác giả xứng đáng được điểm tối đa về mặt này.
2) Ý tưởng - Tình tiết (tối đa: 50 điểm)
Tác giả đã khéo léo thu hút được sự chú ý của người đọc ngay từ chương đầu tiên, Phi Lộ. Chỉ trong 13 trang ngắn ngủi đã giới thiệu được 4 (?) nhân vật chính, cùng những đặc điểm về ngoại hình và tính cách của bọn họ. Bộ tứ Tiếu sát nhân: Tà dương tiếu sát nhân - Ỷ lâu tiếu sát nhân – Phong hà tiếu sát nhân – Đoạn kiều tiếu sát nhân khiến người đọc tưởng chừng như đang theo dõi một bộ phim điện ảnh, các cảnh quay liên tiếp nhanh chậm đan xen, vừa mỹ lệ lại vừa có nét thê lương. Đây chính là đoạn “đắt” nhất trong toàn truyện, đã phô diễn đến mức tối đa tài năng viết văn của tác giả.
Tuy nhiên, Anh Cúc có cảm giác tiểu đoạn Đoạn Kiều tiếu sát nhân vốn là thừa. So với 3 tiểu đoạn kia, nó không hề hé mở gì về cốt truyện, ngoại trừ giới thiệu nghề nghiệp của Trương Khởi Nguyệt. 4 nhân vật được giới thiệu ngay từ đầu truyện, được chú trọng như vậy, có thể thấy đây là 4 nhân vật chính. Thế mà tựa đề của truyện: Đinh Hương – Bích Lạc – Hồng Trần chỉ ứng với 3 người: Hướng Hải Lam – Tần Sương – Hứa Tuyết Đình. Chẳng lẽ nàng Trương Khởi Nguyệt không xứng đứng có được một chút “đất” trên tựa đề hay chăng? Điều này khiến cho Anh Cúc cảm thấy tác giả dường như đang lúng túng khi xác định sự chính – phụ giữa các tuyến nhân vật.
2.1 Ý tưởng
Dưới lớp áo khoác mỹ lệ, ý tưởng và cốt truyện không có gì mới mẻ. Một mảnh tín phù có thể điều khiển quân đội của tứ vương được sử dụng làm trục chính xuyên suốt câu chuyện, quấn quanh đó là hàng loạt mưu đồ, tội ác đan xen nhằng nhịt, điểm xuyết chút hoa lá cành về những mối tình với số tay lớn hơn ba, thậm chí đến cả tình yêu tay sáu! Từng chi tiết thì cũng có chút thú vị, tiếc là âm mưu chính của truyện quá yếu, không thuyết phục.
Một tấm ngọc bội quyết định vận mạng của triều đình, cũng giống như binh phù mà Tín Lăng quân phải trộm để đi cứu Triệu. Tiếc là nếu chỉ có mỗi binh phù suông thì chưa chắc Tín Lăng quân đã làm nên cơm cháo gì:
Ba người bái biệt nhau. Tín Lăng Quân đến Nghiệp Hạ cùng với Chu Hợi vào yết kiến lão tướng Tấn Bỉ. Tín Lăng Quân nói:
- Đại vương thấy tướng quân mấy mươi năm dầm sương dãi gió cực khổ về binh nghiệp, nay sai Vô Kỵ đến cầm quân thay cho lão tướng.
Nói rồi đưa binh phù ra, hai bên so, ăn khớp nhau. Nhưng Tấn Bỉ nói:
- Làm tướng ngoài mặt trận có lúc vì tình thế mà không tuân theo mệnh vua, tuy rằng công tử có binh phù này nhưng hãy chờ ít hôm, tôi làm sổ sách và cho người về hỏi lại nhà vua lần nữa.
- Đại vương thấy tướng quân mấy mươi năm dầm sương dãi gió cực khổ về binh nghiệp, nay sai Vô Kỵ đến cầm quân thay cho lão tướng.
Nói rồi đưa binh phù ra, hai bên so, ăn khớp nhau. Nhưng Tấn Bỉ nói:
- Làm tướng ngoài mặt trận có lúc vì tình thế mà không tuân theo mệnh vua, tuy rằng công tử có binh phù này nhưng hãy chờ ít hôm, tôi làm sổ sách và cho người về hỏi lại nhà vua lần nữa.
Ngoài ra, chính Thái hậu cũng phải công nhận:
Tứ vương đều ở xa, Cửu vương lại ở gần, nếu ông ta khống chế được đại nội thì tín phù cũng vô dụng.
Tin tưởng vào một mảnh tín phù đã là ngây thơ, lại chia vụn nó ra, giao cho nhiều người cất giữ thì phải gọi là quá thiếu muối! Bí mật do 1, 2 người biết còn là bí mật, bí mật cho cả chục người biết thế này thì hỏi làm sao mà giữ kín được?
2.2 Tình tiết
Từ những phân tích trên, có thể thấy ý tưởng cơ bản làm nền cho truyện được xây dựng quá sức kiên cưỡng. Xây nhà không có móng, vật liệu có tốt tới đâu thì cũng chẳng làm được gì! Chính vì vậy, có rất nhiều tình tiết không hợp lý trong truyện:
- Tần Sương ra vào cung cấm như chỗ không người. Chỗ ở của phi tần mà đại thần bên ngoài muốn vào là vào thì cũng thật là lạ.
- Ở chương 1, Tần Sương chưa biết tân hoa đán của Bất Dạ thành là ai mà đã đòi thăm quan khuê phòng, rồi “ánh mắt u uẩn lướt một vòng khắp gian phòng”. Hình ảnh đúng là đẹp đấy nhưng liệu có quá thừa hay không?
- Rất nhiều người đều có ý “vun vào” cho Trương Khởi Nguyệt và Tần Sương một cách quá lộ liễu, dường như tác giả gấp gáp muốn họ yêu nhau càng lẹ càng tốt thì phải. Người đọc chỉ mới lờ mờ cảm nhận được tình cảm vi diệu giữa hai nhân vật, thì đã được (bị) tác giả mượn lời của nhân vật khác nói huỵch toẹt ra hết.
- Chi tiết Dương Thiên Hoa được tha chết nhờ Cố Trường Phong chịu tiết lộ bí mật thật là quá gượng ép, càng chứng tỏ việc giao bí mật về tín phù cho quá nhiều người là sai lầm. Có nhiều người thì sẽ xuất hiện thêm nhiều điểm yếu, để kẻ địch dễ dàng lợi dụng. Chi tiết nàng được bán đi làm danh kỹ ở Bất Dạ thành, sau đó lại được chính... Hoàng thượng mua về thì đúng là không còn lý do nào để bào chữa. Một kẻ bất chấp thủ đoạn như Cửu Vương mà lại giữ lời hứa à? Mạng lưới mật thám của Cửu Vương quả thật là quá yếu kém khi không biết bạch y công tử là hoàng thượng (trong khi đã từng sắp xếp cho hoàng thượng mua Tử Yên ở ngay chính Bất Dạ thành này!)
- Khi mấy mảnh ngọc bội, chìa khóa để tìm Tín phù, bị mất đi, bốn nhân vật chính của chúng ta lập tức nghĩ ra một chủ ý cực hay: làm chìa khóa giả! Hỡi ôi, nếu có thể làm chìa khóa giả dễ dàng như thế, vậy thì cần chia ba ngọc bội để làm gì?
- Tín phù là vật quan trọng như vậy mà lại được làm bằng ... gỗ! Thử nghĩ rủi mà tín phù giấu kín quá, bị mọt ăn phải, thì hoàng thượng biết làm sao đây ?
- Một điều kỳ lạ nữa là tiêu chuẩn chọn người đẹp vào cung của triều đại trong truyện. Chẳng những các vị hoàng hậu phi tần đều là kẻ không còn trinh trắng, mà lại có tới 2 người từng ... mang thai trước khi vào cung.
Ngoài ra, điều làm cho Anh Cúc khó chịu nhất khi đọc truyện này chính là mối quan hệ nhằng nhịt giữa các nhân vật. Chỉ cần có hai nhân vật gặp nhau, nói chuyện một hồi thì họ phải ồ lên: Hóa ra tác giả đã sắp xếp cho chúng ta quen biết nhau từ trước rồi cơ đấy!
Khi cố gắng đọc, hiểu, và ghi nhớ mối quan hệ giữa các nhân vật trong truyện, Anh Cúc liền liên tưởng đến Hồng Lâu Mộng: để chấm dứt án phong lưu lầu hồng thì bọn oan gia phong lưu lục tục đầu thai xuống trần. Bây giờ, trong truyện Đinh Hương – Bích Lạc – Hồng Trần, tất cả nhân vật phải đổi kiếp xuống trần để giải cái án oan Ngọc bội – tín phù.
Xin kể ra một ví dụ “nho nhỏ” về sự “tụ hợp” này: Tần Sương sau khi bị hoàng thượng đuổi, chạy ra đến cổng thành thì đúng ngay phiên trực của một lão binh từng thụ ân của chàng trước đó. Chàng chạy ra đến ngoài thành thì gặp một lão nông dân cho núp dưới xe rơm, về đến nhà mới phát hiện ra lão nông này là thuộc hạ cũ của cha mình. Chàng đi xa xa hơn xíu nữa thì được một cô nương khác cứu mạng, cô nương này vốn là người hầu của một vị “bằng hữu” Hướng Hải Lam đã từng tặng cho mình cây kiếm. Khi chàng gặp được Hứa Tuyết Đình, thì Hứa Tuyết Đình đã từng có duyên ngồi uống rượu với chàng trên nóc nhà, ngoài ra hắn lại còn là sư đệ kiêm cộng tác viên của Hướng Hải Lam. Khi chàng gặp được người chàng cần tìm là Lý Lăng, thì hóa ra người này là kẻ cứu mạng chàng hôm trước, đồng thời là kẻ si tình thái hậu (mẹ nuôi của chàng), đồng thời là người mà sư phụ của Trương Khởi Nguyệt (người mà tác giả cho chúng ta biết là chàng đang rất yêu) yêu! Nếu các độc giả thấy hàng loạt sự trùng hợp như vậy chưa đến nỗi quá vô lý thì Anh Cúc có thể kể thêm: mối tình đầu kiêm sư muội của chàng, Ngụy Tử Yên, vốn là vợ cũ của Hướng Hải Lam, kiêm luôn chức Trân phi của hoàng thượng, người vốn là chủ nhân kiêm anh em tốt của chàng

Sự trùng hợp chính là cơ sở để xâu chuỗi sự kiện, từ từ mở dần ra âm mưu ẩn giấu bên trọng. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều thì sẽ khiến cho độc giả bị “bội thực”.
Nói cho cùng, trong truyện cũng có rất nhiều điểm sáng, chẳng hạn như những lời bông đùa trêu chọc của mọi người đối với cặp Sương – Nguyệt, tình yêu kín đáo nhưng tha thiết giữa Sương và Nguyệt, Đình và Nhu. Chi tiết Hải Lam ngửi mùi Đinh Hương lệ trên tay áo của Tử Yên trước khi chết rất mỹ lệ và cảm động. Truyện đã dứt mà vẫn khiến cho lòng người mãi vấn vương, “hương thầm đầy tay áo, ai bảo chẳng tiêu hồn?”
3) Võ công - Nhân vật (tối đa: 25 điểm)
3.1 Võ công
Tác giả tạo nhiều bất ngờ thú vị khi miêu tả các trận đánh và võ công, chẳng hạn như Hắc Bạch vô thường điều khiển con rối để đánh địch. Chỉ có điều Anh Cúc không hiểu là điều khiển con rối là một nhẽ, nhưng làm sao mà điều khiển được luôn cả binh khí cầm trên tay của con rối? Ngoài ra, một người chỉ có 2 tay, một tay đã cầm binh khí, chỉ dùng 1 tay duy nhất còn lại để điều khiển con rối thì đúng là kỳ tích.
Một loại võ công cũng khá ấn tượng là Vân Hải Ba Đào, theo lời giải thích của Tần Sương, bộ kiếm pháp này có 81 chiêu, 27 kiếm đầu tiên là mấu chốt, những chiêu về sau mới có thể đưa địch vào tuyệt lộ. Chỉ có điều nếu 27 kiếm đầu tiên bị phá thì không thể nào thi triển đến cùng được. Nghe thì hay đấy, nhưng một bộ kiếm pháp uy lực đến thế thì nhất định chỉ được thi triển với cao thủ tuyệt đỉnh. Đã gặp cao thủ tuyệt đỉnh rồi mà vẫn còn yên yên lành lành múa đủ 27 kiếm bày binh bố trận thì đúng là lạ. Bởi vậy, đây đúng là một bộ kiếm pháp vô dụng!
Trong truyện, Anh Cúc thích nhất đoạn mô tả về Đan Tâm kiếm và Hãn Thanh kiếm. Tác giả rất khéo léo khi mượn 2 câu thơ và sự tích về Văn Thiên Tường để giải thích về xuất xứ của 2 thanh kiếm này, rất tiếc là bọn chúng chẳng có bao nhiêu cơ hội dụng võ, tầm quan trọng trong truyện dường như không tương xứng với bao công lao miêu tả kỹ càng như vậy.
3.2 Nhân vật
Số nhân vật chính, thứ chính trong truyện khá nhiều, ở đây Anh Cúc chỉ nhắc đến những nhân vật tiêu biểu nhất:
- Tần Sương : Đây là nhân vật trung tâm của truyện, tất cả mọi tình tiết dường như đều xoay quanh nhân vật này.
Tần Sương cũng được tác giả trực tiếp và gián tiếp khắc họa như là một kiếm khách cô độc, “tự cô tự ngạo” bẩm sinh, ngoài ra cũng là một tay ăn chơi đào hoa có tiếng ở kinh thành. Cha mẹ, sư phụ mất sớm, bị người tình đầu và huynh đệ trở mặt thành thù, chàng ta biến thành ... chán sống, chỉ biết hy sinh thân mình cho ... ngựa và người hầu (chương 8)! Đọc đến đây, bao nhiêu thiện cảm của Anh Cúc đối với nhân vật này đều mất sạch. Thử kiểm lại xem y có cái gì không vừa ý đây? Cha mẹ mất sớm nhưng y tập tước hầu, được mọi người yêu mến. Cha hy sinh vì nước, thế mà chỉ biết tối ngày ủ rủ, tìm hoa ghẹo nguyệt, không có chí hướng cống hiến gì cho quốc gia. Sư phụ mất sớm, nhưng y có võ công kha khá, lại chấp chưởng Bích Lạc môn. Thân mang trọng trách lớn lao, thế mà dọc đường lại ủy mị suýt mất mạng vì cứu Yên Thúy, rồi lại hy sinh tính mạng cứu ... con ngựa. Nghĩ đi nghĩ lại, Anh Cúc thấy Tần Sương này rất giống bọn choai choai “teenager” theo xu hướng “emo”, thích trầm trọng hóa những cảm xúc tiêu cực, từ đó trở nên cô ngạo lánh đời. Cũng nhờ vậy, y mới đem lòng yêu Trương Khởi Nguyệt, vì nàng ta đóng vai trò một “bậc phụ huynh”, kéo y ra khỏi “lực hút của những đứa trẻ emo”.
- Hướng Hải Lam: đây là một nhân vật xuất hiện khá nhiều trong truyện. Tuy nhiên, Anh Cúc chỉ ấn tượng nhất về y ở 2 điểm: Thấu Ngọc Tồi Tâm Chưởng, và sự thản nhiên khi toàn bộ đám thuộc hạ hy sinh tính mạng vì mình. Y cho rằng tính mạng của bọn họ do y cứu, nên họ có chết vì mình thì y cũng thản nhiên nhận lấy. Đọc đến đây, Anh Cúc lại nghĩ đến Tu La Đạo, và sự phản kháng của các đệ tử của Bộ Phi Yên. Cái con người quý nhất không phải là tính mạng, mà là tự do. Hành động của Hướng Hải Lam là đúng hay sai, thật khiến cho độc giả phải băn khoăn suy nghĩ.
- Hứa Tuyết Đình: Một nhân vật rất anh hùng hiệp nghĩa, sẵn sàng sống chết vì người yêu, nhưng tiếc là hắn không phải là người tình lý tưởng cho các thiếu nữ. Vì sao vậy? Bởi vì hắn giống như một cột thu lôi, bị sét ái tình đánh vào nhiều quá, gặp Dương Thiên Hoa, Phương Nhu đều “nhất kiến chung tình”. Từ Hứa Tuyết Đình, tác giả đã đề ra một lý thuyết võ công khá thú vị: khi trong lòng phân vân không biết nên yêu mỹ nhân nào thì kiếm pháp sẽ không thể đạt đến trình độ cao nhất! Chỉ tiếc quyền lựa chọn không thuộc về Hứa Tuyết Đình mà lại nằm trong ... bàn tay sắp đặt của tác giả. Tác giả đã gượng ép cho Dương Thiên Hoa quên đi quá khứ, rồi được một vị công tử hào hoa mua về, chỉ chừa lại một mình Phương Nhu cho y. Chi tiết này làm cho Hứa Tuyết Đình từ một con người cả quyết, dám làm dám chịu biến thành một kẻ hèn nhát, “gió chiều nào ngả theo chiều nấy”.
- Dương Thiên Hoa được miêu tả như một mỹ nhân xinh đẹp tuyệt vời, tính tình hiền lành, ngây thơ có chút trẻ con. Trẻ con tới mức được người cứu mạng rồi mà còn giận dỗi trách ngược trở lại, hiền lành đến mức chính mắt nhìn thấy toàn gia chết thảm, cha nuôi không biết sống chết mà còn thương tiếc cho cái chết của mấy con ngựa và những người đuổi giết mình. Những hành động của cô nàng này trong chương 4 và 5 khá phản cảm và vô lý. Có lẽ tác giả hơi quá tay khi nêm nếm gia vị « ngây thơ trong trắng » cho nhân vật này. Tuy nhiên, nàng cũng thật đáng thương khi bị tác giả vô cớ “đẩy” sang cho hoàng thượng, để giúp cho Hứa Tuyết Đình không phải mang “tội” đa thê.
- Phương Nhu là con gái của Cửu Vương, võ công cao cường, đàn cầm rất hay. Khúc nàng ngồi đàn cho Hứa Tuyết Đình và chia đôi bữa ăn sáng tràn đầy khí vị lãng mạn nhưng cũng rất thanh cao. Xuất thân từ Đông Ly Các, Anh Cúc rất thích thú trước câu nhận xét của Hứa Tuyết Đình về nàng: “Cô cốt cách hoàng hoa, đâu cần làm khuê nữ”. Tuy vậy, với tính cách của nàng từ trước tới giờ, việc nàng xuống tóc đi tu là hoàn toàn vô lý. Nàng vốn không phải là kẻ yếm thế chán đời, càng không phải “giác ngộ” được lẽ vô thường mà đi tu (nếu vậy thì đã không hoàn tục đi theo Tuyết Đình rồi

- Thái hậu: đây vốn là nhân vật nữ quan trọng nhất trong toàn truyện, chỉ vì bà ta mới xảy ra bao nhiêu là chuyện như vậy, thế nhưng bà ta được tác giả mô tả nhạt đến mức không thể nào nhạt hơn. Dẫu biết tình yêu vốn không có lý lẽ, Anh Cúc vẫn cảm thấy bà ta chính là “tội nhân” đã hại cả cuộc đời của 4 sư huynh của mình:
Bà ta thản nhiên nhận tình yêu của người khác dành cho mình mà không hề áy náy, không hề nghĩ cách giúp họ có thể chấm dứt tình yêu với mình, để tìm hạnh phúc mới.
Ngoài ra, bà ta còn là người hời hợt nông cạn, đến tâm địa của con trai mình cũng không biết. Trong chương 3, bà ta cho rằng con trai mình là “người kiêu ngạo thiên khích”, “bị Ngụy Tử Yên che mắt”. Không biết đó là hoàng thượng đóng kịch quá giỏi hay là bà ta quá ngu đây?
Bà ta luôn dùng dằng không quyết, đã gả cho hoàng thượng mà vẫn còn lưu luyến người xưa (căn nhà trong lăng, giữ gìn kỷ vật...), như thế là bất trinh. Hành động công khai việc mình có con với người khác, lừa dối phu quân trước mặt mọi người đúng là không có gì để bào chữa.
Một con người như vậy có thể được cả 4 người đàn ông yêu thương đến trọn đời, chấp nhận làm hòa thượng, thái giám, tù đày... thì đúng là không hợp lý chút nào.
- Ngụy Tử Yên: nhân vật nữ phản diện duy nhất trong truyện. Một điều Anh Cúc thắc mắc là tuổi tác của nàng ta. Khi sư phụ hấp hối, có nói là 24 năm trước đã nhặt được nàng, vậy thì lúc đó nàng ta đã 24 tuổi rồi. Sau đó trải qua thời gian quan hệ với Hướng Hải Lam, gặp lại Tần Sương trong cung thì cũng ít nhất đã 30 tuổi. Một nữ nhân 30 tuổi mà được tuyển vào cung, đủ sức “giả dạng” làm khuê nữ qua mặt hoàng thượng, đúng là rất có “bản lãnh”. Chỉ tiếc có một điều là tác giả đã “quên” nhắc đến bè phái, lực lượng của nàng ta, nên đến khúc chót, nàng ta tuyên bố sẽ “đứng ra nhiếp chính”, sắp xếp âm mưu diệt cả Cửu vương và Hoàng thượng, Anh Cúc chỉ cảm thấy đó là “ăn may”, chứ bản thân nàng ta vốn chẳng có bản lãnh gì.
Trong vòng 433 trang ngắn ngủi, truyện đã xây dựng một số lượng lớn nhân vật chính và thứ chính. Mỗi nhân vật đều được mô tả kỹ càng, chú trọng dùng những tình tiết để thể hiện tính cách của từng người. Tuy vậy, quá nhiều nhân vật khiến tính cách của họ như bị hòa lẫn vào nhau. Hướng Hải Lam, Tần Sương đều là những kẻ cô ngạo, vốn không tin vào tình yêu. Phương Nhu, Trương Khởi Nguyệt cũng chỉ là bình mới rượu cũ, nội nhu ngoại cương. Đó cũng là điểm đáng tiếc của truyện. Nếu tác giả chịu khó thu gọn số lượng nhân vật thì truyện sẽ cô đọng súc tích hơn nhiều.
4) Cảm nhận chủ quan (tối đa : 5 điểm)
Tuy cốt truyện còn yếu, Đinh Hương – Bích Lạc – Hồng Trần cũng là một tác phẩm đáng chú ý trong kỳ thi Tàng Kinh Kiếm Phổ lần này. Mặt hành văn đã tương đối hoàn hảo, tác giả chỉ cần chú ý hơn về tính logic của cốt truyện, loại bỏ bớt những chi tiết rườm ra thì tác phẩm sẽ thành công hơn. Có thể ví viết truyện kiếm hiệp cũng giống như sáng tạo ra một chiêu kiếm, dẫu có đẹp đẽ hoa hòe hoa sói cách mấy mà không thể khắc chế được địch nhân, thì đó chỉ là một chiêu kiếm vô dụng mà thôi.
Comment